Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

BIỂN BÁO ĐI CHẬM LÀ GÌ? TỐC ĐỘ BAO NHIÊU GỌI LÀ ĐI CHẬM?

  1. Quy định về phân loại biển báo tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 15 QCVN 41:2019/BGTVT quy định về phân loại biển báo giao thông như sau:
Biển báo hiệu đường bộ trong Quy chuẩn này được chia thành 5 nhóm cơ bản sau đây:

– Nhóm biển báo cấm là nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng. Trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt.

– Nhóm biển hiệu lệnh là nhóm biển để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo. (trừ một số biển đặc biệt). Các biển có dạng hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người tham gia giao thông đường biết.

– Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo là nhóm biển báo cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời. Biển có hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu.

– Nhóm biển chỉ dẫn là nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Biển có hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh lam.

– Nhóm biển phụ, biển viết bằng chữ là nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung biển chính hoặc được sử dụng độc lập.

2. Biển báo đi chậm 

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo đi chậm được ký hiệu là W.245 với hai biển báo là W.245a và W.245b. Đây là các biển thuộc nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo, dùng để báo cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời.

Nhóm biển này điểm đặc trưng là có hình tam giác đều, đỉnh hướng lên trên, viền màu đỏ, nền màu vàng.

Biển báo đi chậm cũng có hình dáng tương tự như trên. Ngay giữa biển báo đi chậm có in dòng chữ in hoa “ĐI CHẬM” màu đen. Riêng biển báo W.245b có kèm theo biển phụ in chữ “SLOW”.

Biển báo W.245a được lắp đặt ở các tuyến đường thông thường. Biển W.245b sẽ được bố trí trên các tuyến đường đối ngoại, tức các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Hiệp định GMS-CBTA, thỏa thuận trong ASEAN và thỏa thuận quốc tế khác).

Biển báo đi chậm được bố trí trước khi đến đoạn đường yêu cầu đi chậm như đường trơn trượt, dốc bất ngờ, công trình thi công,… với mục đích nhắc nhở lái xe giảm tốc độ đi chậm. Hiệu lực của biển báo đi chậm có giá trị trên các làn đường của chiều xe chạy.

      3. Giảm tốc độ khi thấy biển báo đi chậm 

Hiện nay, Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT chỉ đề cập đến việc tài xế phải giảm tốc độ chậm xuống khi thấy biển báo đi chậm chứ không nói rõ là phải giảm tốc độ xuống bao nhiêu.

Các quy định khác của Luật Giao thông đường bộ cùng các văn bản hướng dẫn cũng không đề cập đến tốc độ được coi là đi chậm khi thấy biển báo đi chậm.

Do đó, việc giảm tốc độ sẽ do người điều khiển phương tiện tự chủ động để đảm bảo an toàn khi lưu thông ở đoạn đường ngay sau biển báo đi chậm.

Theo kinh nghiệm của các tài xế lâu năm, để có thể sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu, bất ngờ, khi thấy biển báo đi chậm, người điều khiển phương tiện nên giảm tốc độ ở ngưỡng an toàn với mức 05 đến 10km/h.

Đây cũng chỉ là tốc độ khuyến cáo chứ không mang tính chất bắt buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ. Mặt khác, biển báo đi chậm cũng chỉ mang ý nghĩa nhắc nhở tài xế giảm tốc độ để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đoạn đường sắp tới.

Vì vậy, dù tài xế chỉ giảm ít hoặc không giảm tốc độ trên đoạn đường phía sau biển báo đi chậm thì cũng không bị xử phạt. Tuy nhiên điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác.

     4. Một số trường hợp phải giảm tốc độ khi không có biển báo đi chậm 

Theo Điều 5 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, ngoài việc phải giảm tốc độ khi thấy biển báo đi chậm, các phương tiện cũng phải giảm tốc để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau:

- Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm khác hoặc thấy có chướng ngại vật trên đường.

- Khi chuyển hướng xe hoặc tầm nhìn bị hạn chế.

- Khi đi qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường quanh co, đèo dốc; mặt đường hẹp, không êm thuận.

- Khi đi qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;

- Khi đi qua khu vực trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung đông người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công; hiện trường xảy ra vụ việc tai nạn giao thông.

- Khi thấy có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

- Khi thấy có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát ria đường.

Hoặc một số trường hợp khác: 

- Khi tránh xe khác chạy ngược chiều hoặc khi cho xe phía sau vượt lê hoặc khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;

- Khi đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe;

- Khi gặp các xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe chữa cháy,…); gặp xe siêu trường, xe siêu trọng, xe chở hàng nguy hiểm; gặp đoàn người đi bộ.

- Khi gặp thời tiết xấu như trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi;

- Khi điều khiển xe đi qua khu vực trạm kiểm soát tải trọng xe, trạm cảnh sát giao thông, trạm giao dịch thanh toán phí sử dụng đường bộ.



LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !