Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẾT NGƯỜI RỒI TỰ SÁT? TRÁCH NHIỆM CÒN LẠI THUỘC VỀ AI?


1. Đầu tiên cần hiểu thế nào là tội giết người?

Ngay từ Điều 19 Hiến pháp năm 2013 - đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 33 BLDS 2015 cũng có nêu “ Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Chính vì vậy mà Giết người được xem là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng con người, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này có thể là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên cụm từ “giết người” chưa được mô tả hay có khái niệm mang tính pháp lý nào được thể hiện trong Bộ luật hình sự hiện nay. Thông qua tinh thần của các quy phạm về tội giết người, có thể hiểu Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Điều này cũng đồng nghĩa cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không nhưng hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác (hay làm cho người khác chết) thì được coi là cấu thành tội giết người. Do vậy, việc xác định động cơ, mục đích của người phạm tội là rất quan trọng để xác định chính xác loại tội phạm và áp dụng khung hình phạt hợp lý.

2. Người phạm tội giết người phải chịu những trách nhiệm gì?

Người phạm tội giết người bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân và gia đình theo quy định của BLDS 2015 trong quan hệ dân sự.

Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự:

Điều 123 là một điều khoản riêng được quy định về tội giết người trong BLHS hiện hành. Điều khoản này tuy không có khái niệm thế nào là Giết người nhưng có đưa ra các căn cứ tình tiết thể hiện tính nguy hiểm của tội giết người để quy định khung hình phạt tương ứng. Cụ thể Điều 123 BLHS 2015 quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, từ Điều 124 đến Điều 127 BLHS còn là các quy định riêng cho các Tội giết người trong những trường hợp cụ thể như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ; Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ

Thứ hai, về trách nhiệm dân sự

Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 có quy định “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.” Đối với tội giết người có thể xác định đủ các căn cứ bồi thường là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác; có thiệt hại xảy ra là nạn nhân chết hoặc bị thương; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Do đó, người thực hiện hành vi phạm tội đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần  cho nạn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 590 BLDS 2015 Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và Điều 591 BLDS 2015 Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm 

3. Giết người rồi tự sát thì trách nhiệm còn lại thuộc về ai?

Có thể thấy, quy định của pháp luật đã chỉ rõ trách nhiệm pháp lý đối với người thực hiện hành vi giết người. Tuy nhiên không ít trường hợp hung thủ tự sát sau khi giết người. Câu hỏi đặt ra trong trường hợp đó thì ai sẽ là người chịu những trách nhiệm nêu trên.

Đối với trách nhiệm hình sự

Về nguyên tắc, Điều 18 BLTTHS 2015 có nêu “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội”

Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 157 BLTTHS 2015 thì việc “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác” là một trong 8 căn cứ không khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy khi người thực hiện hành vi giết người là người duy nhất gây án và tự sát dẫn đến chết ngay sau đó thì sẽ là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự

Về trách nhiệm dân sự

Việc hung thủ tự sát dẫn đến chết ngay sau khi gây án tuy không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng khi hung thủ chết sẽ làm phát sinh về quyền thừa kế. Do đó, trách nhiệm dân sự sẽ được xử lý như sau:

Theo quy định tại Điều 615 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ tài sản do người chết để lại có nêu “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Có thể thấy, việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591 BLDS 2015 cho gia đình bị hại được xem là một nghĩa vụ tài sản. Do đó, những người thừa kế có thể là theo di chúc hoặc theo hàng thừa kế được quy định tại Điều 651 BLDS 2015 có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho nạn nhân và gia đình trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !