Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

FREELANCER CÓ PHẢI ĐÓNG THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN KHÔNG?

Làm việc freelancer có ký hợp đồng lao động không?

Bản chất của nghề freelancer mang hình thức làm việc tự do, không phải làm việc riêng cho bất kỳ công ty, tổ chức nhất định. Theo đó, các freelancer sẽ làm việc như những người lao động tạm thời trong một khoảng thời gian nhưng không phải chịu sự ràng buộc, giám sát, quản lý, điều hành của khách hàng (người sử dụng lao động). Trong khi đó, theo Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Và kể cả trường hợp mang tên gọi khác nhau nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Điều này hoàn toàn không phù hợp với bản chất của nghề freelancer. Vì vậy, người làm freelancer thường không ký hợp đồng lao động mà ký loại hợp đồng khác.


Freelancer có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Thuế thu nhập cá nhân, về định nghĩa, pháp luật chưa có quy định cụ thể cho thuật ngữ này. Đây là loại thuế trực thu, tức điều tiết trực tiếp vào thu nhập của người nộp thuế. Theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, đối tượng nộp thuế bao gồm:

- Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;

-  Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

Trong đó, cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau:

+ + Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

Cá nhân có mặt tại Việt Nam trong trường hợp này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

++ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm cơ nơi đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên theo quy định trên nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam.


Vậy người làm nghề freelancer có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Câu trả lời là Có. Hầu hết các freelancer hiện nay đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân và khoản thuế này sẽ được tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp khấu trừ vào thù lao. Tuy nhiên, cá nhân vẫn có thể thỏa thuận để nhận toàn bộ tiền công, thù lao và tự tính số thuế phải nộp cho Chi cục Thuế.


Các freelancer bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân bao nhiêu?

Theo Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập. Cụ thể, tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư này quy định:  

“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân”.

Theo quy định này thì các freelancer là cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động phải trích 10% thù lao để đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân làm cam kết để tổ chức, doanh nghiệp trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế.

Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế và nộp cho cơ quan thuế.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !