Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

XIN NGHỈ KHÔNG LƯƠNG TRƯỚC THỜI GIAN THAI SẢN CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

1. Trường hợp nào được xin nghỉ không lương?

 

Căn cứ theo Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ không lương trong các trường hợp sau:

 

“Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

 

Như vậy, ngoài một số trường hợp được quy định cụ thể thì pháp luật cũng cho phép người lao động được nghỉ không lương vì bất cứ lý do gì, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý. Vì vậy nếu được phía công ty đồng ý thì người lao động có thể nghỉ không lương trước thời gian thai sản.

 

      2. Xin nghỉ không lương trước thời gian thai sản được không?

 

Tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ không lương vì bất cứ lý do gì, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý.

 

Theo đó, nếu được phía công ty đồng ý thì người lao động có thể nghỉ không lương trước thời gian thai sản.

 

Và thời gian nghỉ không lương được thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động mà không hạn chế số ngày.

 

Tuy nhiên, nếu nghỉ không lương trước thời gian thai sản quá sớm có thể người lao động không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để xét hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

 

Căn cứ theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con như sau:

 

- Trường hợp mang thai thông thường: Phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

 

- Trường hợp trong quá trình mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên, đồng thời có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

 

Do đó, dù nghỉ trước sinh nhiều tháng hay ít tháng, người lao động cũng cần tích lũy đủ thời gian đóng BHXH theo quy định rồi hẵng nghỉ để đảm bảo sau này khi sinh con được giải quyết hưởng chế độ thai sản.

 

3. Sau thời gian nghỉ thai sản, công ty có phải cho phép lao động nữ nghỉ không hưởng lương nếu có nhu cầu?

 

Căn cứ tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

 

“Điều 139. Nghỉ thai sản

1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”

 

Như vậy, khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định mà có nhu cầu thì lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với công ty.

      

      4. Thời gian nghỉ thai sản khi sinh con của lao động nữ là bao lâu?


Căn cứ tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

“Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.”


Như vậy, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.


Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

 

      5. Nghỉ việc trước thời điểm sinh con có được hưởng thai sản?

 

Theo khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

 

- Trường hợp mang thai thông thường: Phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

 

- Trường hợp trong quá trình mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên, đồng thời có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

 

Do đã nghỉ việc trước khi sinh con nên thời gian nghỉ thai sản của người lao động sẽ không được cộng vào quá trình đóng để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần và lương hưu khi về già.

 

Sau khi sinh con xong, người lao động cần chủ động tự làm chế độ thai sản tại cơ quan bảo hiểm xã hội mà mình cư trú chứ không phải nộp hồ sơ thai sản về công ty cũ (theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội).

 


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !