Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

KOLS QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

1. KOLs là gì?

KOLs (viết tắt của Key Opinion Leader), được hiểu là người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng vì hiểu biết hoặc có chuyên môn về một lĩnh vực nhất định nào đó. Nhờ vậy mà KOLs nhận được sự nổi tiếng và độ tin tưởng của phần lớn người tiêu dùng. Từ đó, nhiều nhãn hàng đã mời KOLs để quảng cáo cho sản phẩm của mình, tham gia vào các chiến dịch của thương hiệu nhằm kết nối và rút ngắn khoảng cách đưa sản phẩm ra thị trường, giúp doanh nghiệp đạt được doanh thu, lượng tương tác, đơn hàng như mong muốn chỉ trong thời gian ngắn. Hiện nay tại Việt Nam, KOLs là người có sức ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực và đóng nhiều vai trò trong cuộc sống, họ có thể là ca sĩ, MC hoặc người có lượng người theo dõi cao trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok…

2. Quảng cáo sai sự thật là gì?

Khái niệm về quảng cáo sai sự thật được quy định tại Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại hiện hành về các loại quảng cáo thương mại bị cấm:

“7. Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ”.

Đồng thời, hành vi quảng cáo không đúng hoặc khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc về chất lượng, số lượng, công dụng, kiểu dáng…cũng là một trong những hành vi bị cấm trong quảng cáo được quy định tại Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

“9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật về nhãn hiệu sản phẩm là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo và sẽ chịu xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, luật đã có quy định yêu cầu đối với nội dung quảng cáo tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

“1. Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.

3. KOLs quảng cáo sai sự thật bị xử phạt như thế nào?

Từ các nội dung nêu trên, ta có thể hiểu KOLs quảng cáo sai sự thật là việc người nổi tiếng lợi dụng sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng của bản thân để quảng cáo các sản phẩm sai hoặc gây nhầm lẫn về công dụng, kiểu dáng…của sản phẩm bất kỳ. Nếu KOLs quảng cáo sai sự thật sẽ phải bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP với các mức phạt tiền như sau:

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: đối với quảng cáo có sử dụng một số từ không có tài liệu hợp pháp để chứng minh như các từ: nhất, duy nhất, số một, tốt nhất…

- Phạt tiền 60 - 80 triệu đồng và buộc cải chính thông tin: đối với quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, giá, công dụng, chất lượng, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, thời hạn bảo hành hoặc khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…Cụ thể, được quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP như sau:

“5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này”.

Ngoài ra, KOLs còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại Khoản 7 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 8 Điều 34 Nghị định này nếu quảng cáo sai sự thật về nhãn hiệu, bao gồm:

- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 - 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 - 24 tháng đối với vi phạm trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

- Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi do luật định.

- Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về nhãn hiệu sản phẩm.

Tuy nhiên cần lưu ý, đây là mức phạt tiền áp dụng cho cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ phải chịu phạt mức tiền gấp 02 lần số tiền nêu trên và tương đương. Mức phạt tiền cao nhất áp dụng với tổ chức là 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu KOLs quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

“1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, nếu KOLs quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt hành chính cao nhất là 80 triệu đồng (nếu là cá nhân) hoặc 160 triệu đồng (nếu là tổ chức) hoặc nặng hơn có thể bị phạt tù đến 05 năm.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !