Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI?


Thế nào là tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài ?

Theo khoản 2 Điều 663 BLDS 2015 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Như vậy tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là tranh chấp dân sự phát sinh giữa các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, yếu tố nước ngoài được xác định dựa vào các căn cứ:

  • Chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài

  • Sự kiện pháp lý:  Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài

  • Đối tượng tranh chấp ở nước ngoài: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Xác định pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Căn cứ Điều 664 BLDS 2015 thì pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.

Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.

Tuy nhiên, nếu pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự thuộc một trong trường hợp sau đây sẽ không được áp dụng và pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng:

 

a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;

b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của cơ quan tài phán của một quốc gia phụ thuộc vào điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên và pháp luật tố tụng dân sự của quốc gia đó. Theo Điều 469 và Điều 470 BLTTDS 2015, có hai dạng thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam là thẩm quyền xét xử chung và thẩm quyền xét xử riêng biệt.

Thẩm quyền xét xử chung là thẩm quyền mà tòa án nước này có thẩm quyền xét xử, nhưng tòa án nước khác cũng có thể có thẩm quyền xét xử tùy thuộc vào tư pháp quốc tế của quốc gia đó. Trường hợp này, các bên trong quan hệ dân sự hoàn toàn có quyền lựa chọn tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp là tòa án của một trong hai quốc gia, hoặc tòa án của một quốc gia thứ ba.

Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

  •  Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

  • Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

  • Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

  • Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

  • Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

  • Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

Sẽ có trường hợp vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài:

  • Các đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đã lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc đó. Trừ trường hợp các bên thay đổi thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bằng thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam hoặc thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được, hoặc Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài từ chối thụ lý đơn

  • Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 BLTTDS 2015 và vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài có liên quan;

  • Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 BLTTDS 2015 và đã được Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài thụ lý giải quyết;

  •  Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài. Trừ trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận. 

  • Bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Thẩm quyền xét xử riêng biệt là trường hợp chỉ có tòa án của một quốc gia mới có thẩm quyền xét xử đối với một số vụ án nhất định. Đối với Việt Nam, tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết riêng biệt đối với những vụ tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây

  •  Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;

  • Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;

  • Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.

Hồ sơ cần chuẩn bị để khởi kiện tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài.

Để khởi kiện tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam thì người khởi kiện phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, bao gồm

  • Đơn khởi kiện có nội dung và hình thức tuân theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Đơn khởi kiện cần trình bày rõ nội dung vụ việc, những cá nhân tổ chức liên quan và yêu cầu khởi kiện để Tòa án nghiên cứu, xem xét giải quyết.

  • Chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện

  • Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !