Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CÓ TRÍCH LỤC BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH CÓ ĐƯỢC CẤP SỔ ĐỎ KHÔNG?

1. Trích lục bản đồ địa chính là gì?

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

" Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận."

Như vậy, trích lục bản đồ địa chính có thể hiểu là việc lấy ra một phần hoặc toàn bộ thông tin hoặc sao y bản chính của một hay nhiều thửa đất và các yếu tố địa lý của thửa đất đó dựa trên hồ sơ, giấy tờ gốc đã có.

Hoặc có thể hiểu trích lục bản đồ địa chính là bản vẽ kỹ thuật, thể hiện thông tin về hình dáng, diện tích, vị trí… của lô đất được thực hiện bởi tổ đo đạc.

Theo Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính thì trích lục bản đồ địa chính chứa những thông tin về thửa đất, gồm:

- Số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ, địa chỉ thửa đất (xã, huyện, tỉnh);

- Diện tích thửa đất;

- Mục đích sử dụng đất;

- Tên người sử dụng đất và địa chỉ thường trú;

- Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất;

- Bản vẽ thửa đất gồm: Sơ đồ thửa đất, chiều dài cạnh thửa.

Do vậy, trích lục bản đồ địa chính là một hình thức cung cấp, xác thực thông tin thửa đất.

      2. Các trường hợp cần trích lục bản đồ địa chính 

Trích lục bản đồ địa chính sẽ giúp cơ quan nhà nước thuận tiện trong quá trình quản lý đất đai và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai như giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai….Bên cạnh đó, trích lục bản đồ địa chính của thửa đất nhất định nào đó cũng là tài liệu phục vụ người sử dụng đất dễ dàng hơn trong việc thực hiện các quyền của mình đối với thửa đất.

Theo quy định của pháp luật đất đai, các trường hợp cần trích lục bản đồ địa chính đó là:

+ Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: tại điểm b khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định khi giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất thì văn phòng đăng ký đất đai phải trích lục bản đồ địa chính.

+ Cấp lại Giấy chứng nhận: tại khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP khi cấp lại Giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất thì Văn phòng đăng ký đất đất đai có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính.

+ Giải quyết tranh chấp đất đai: Trích lục bản đồ địa chính là một trong các tài liệu cần có trong hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

+ Thành phần cần có trong hồ sơ xin giao đất, thuê đất của người xin giao đất, thuê đất đối với dự án phải trình với quan có nhà có thẩm quyền xét duyệt hoặc phải cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.

+ Thành phần cần có trong hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.

+ Thành phần cần có trong hồ sơ thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 9, điểm d khoản 1 Điều 10, điểm d khoản 1 Điều 11, điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm đ khoản 1 Điều 13 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.

      3. Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:

"1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."

 

Như vậy, theo quy định trên thì trích lục bản đồ địa chính không phải là giấy tờ chứng minh điều kiện được cấp Giấy chứng nhận mà chỉ được sử dụng để đối chiếu về ranh giới, diện tích, kích thước thửa đất. Việc có hay không có trích lục bản đồ địa chính thì khi cấp Giấy chứng nhận vẫn phải có đủ điều kiện thì mới được cấp.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !