Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

TỤ TẬP SỬ DỤNG MA TÚY CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ?

1. Khái niệm về việc tụ tập sử dụng ma túy
Pháp luật hiện hành vẫn chưa có khái niệm cụ thể về hành vi tụ tập sử dụng ma túy, nhưng có thể hiểu đây là hành vi của một nhóm từ 02 người trở lên, tập trung tại một địa điểm để cùng sử dụng chất ma túy. Trong đó, có thể xuất hiện một số hành vi như cưỡng bức sử dụng ma túy hoặc dụ dỗ sử dụng ma túy…Do có sự có mặt của nhiều người nên việc tụ tập sử dụng ma túy thường có tính nguy hiểm cao hơn so với việc chỉ một người sử dụng.
2. Dấu hiệu phạm tội của việc tụ tập sử dụng ma túy
Về mặt chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Về mặt khách thể: là chế độ quản lý của nhà nước về việc sử dụng chất ma túy với mục đích chữa bệnh. Bởi vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khỏe, trật tự an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm này là người sử dụng chất ma túy (người chủ động).
Về mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy được trước các tác hại nhưng vẫn thực hiện. Mục đích của họ là mong muốn đưa chất ma túy vào cơ thể người khác vì mục đích vụ lợi.
Về mặt khách quan: tụ tập nhất thiết phải có từ 02 người trở lên và là một hình thức đồng phạm có sự kết cấu chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm cụ thể:
+ Người tổ chức: Là chủ mưu, cầm đầu chỉ huy việc thực hiện tội phạm, nói lên vai trò nhiệm vụ của một người trong một vụ án có đồng phạm, còn hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không nhất thiết phải là người cầm đầu trong một vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động vào cơ thể của người khác: Trường hợp phạm tội này, người phạm tội thực hiện hành vi của mình như người tổ chức trong vụ án có tổ chức, nhưng việc chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Người khác ở đây là người có nhu cầu sử dụng ma túy.
+ Thuê, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý để sử dụng ma túy và đưa vào cơ thể người khác. Muốn sử dụng trái phép chất ma túy thì phải có địa điểm. Địa điểm để sử dụng trái phép chất ma túy khá đa dạng, có thể là những địa điểm tĩnh như: nhà ở, cơ quan, trường học, nhà hàng,… nhưng cũng có thể trên các phương tiện giao thông như: máy bay, tàu hỏa, ô tô,…
+ Nguồn ma túy để sử dụng: Đây là trường hợp người phạm tội có chất ma túy dưới bất kỳ nguồn nào như: mua được, xin được, được cho, nhặt được,… rồi đem chất ma túy đó cung cấp cho người khác để họ sử dụng trái phép.
+ Tìm người và chuẩn bị phương tiện để sử dụng trái phép chất ma túy và đưa ma túy vào cơ thể người khác.
+ Các hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Hình phạt đối với hành vi tụ tập sử dụng ma túy
Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hiện không có quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Vì vậy, nếu người đó chỉ sử dụng trái phép chất ma túy mà không đồng thời có các hành vi như tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy…thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nghĩa là sẽ không bị ở tù. Tuy nhiên, vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
          “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.
Ngoài ra, hành vi tụ tập sử dụng ma túy cũng có thể phải đối mặt với các tội liên quan đến ma túy, điển hình như tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
          “1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
           2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
          a) Phạm tội 02 lần trở lên;
          b) Đối với 02 người trở lên;
          c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
          d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
          đ) Đối với người đang cai nghiện;
          e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
          g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
          h) Tái phạm nguy hiểm.
           3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
          a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
          b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
          c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
          d) Đối với người dưới 13 tuổi.
           4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
          a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
          b) Làm chết 02 người trở lên.
          5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
          Như vậy, từ quy định pháp luật trên, hành vi tụ tập sử dụng ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !