Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

Người lao động đã qua đào tạo: hưởng thêm 7% mức lương tối thiểu?

Từ ngày 01/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực. Nghị định này thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về cùng vấn đề liên quan.

So với Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng. Nghị định mới đã tăng mức lương tối thiểu tháng và bổ sung quy định về mức lương tối thiểu giờ. Điều này phù hợp với quy luật phát triển kinh tế thị trường, đồng thời tạo ra những thay đổi lợi ích cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực thì tại Nghị định mới, các điều khoản lại không đề cập đến quy định về việc trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Vậy có phải quy định này đã được xóa bỏ, và những người lao động này sẽ được áp dụng mức lương như thế nào?

Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định: người lao động làm công việc, chức danh đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề được hưởng lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng (đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2022) đối với người làm công việc, chức danh đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề như sau:

“1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP bao gồm:

  • Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90-CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;

  • Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;

  • Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;

  • Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm;

  • Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;

  • Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;

  • Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;

  • Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.


Như vậy, hiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP đã hết hiệu lực thì những lao động đã qua đào tạo sẽ được hưởng mức lương tối thiểu là 107% của mức lương tối thiểu tháng được quy định trong Nghị định.

Theo nghị định 38/2022/NĐ-CP, người lao động đã qua đào tạo nghề, học nghề có còn hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu?

Theo Nghị định mới vừa có hiệu lực, các quy định của Nghị định này không đề cập đến mức lương riêng cho những người lao động đã qua đào tạo nghề, học nghề.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 17/6/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN chỉ đạo triển khai Nghị định 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu. Tại điểm b, khoản 1.1, Điều 1 Công văn hướng dẫn như sau:

“Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, theo đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động”.

Hiểu theo quy định trên thì các nội dung đã thỏa thuận, cam kết giữa người sử dụng lao động và người lao động trước đó nếu có lợi hơn cho người lao động, bao gồm chế độ tiền lương trả cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu, sẽ tiếp tục được thực hiện nếu hai bên không có thỏa thuận khác. Theo đó, nếu căn cứ vào Nghị định 38/2022/NĐ-CP và Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN, (đối với người lao động đã làm việc từ trước) người sử dụng lao động có thể đưa ra thỏa thuận, cam kết mới về vấn đề tiền lương đối với những lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề, trong đó, bỏ “điều khoản về chế độ hưởng thêm ít nhất 7% mức lương tối thiểu”. Đồng thời, chế độ tiền lương áp dụng cho “người lao động mới” từ thời điểm Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 01/7/2022) không bắt buộc áp dụng quy định hưởng thêm ít nhất 7% mức lương tối thiểu như trên.

Quy định này tạo ra sự khó hiểu, bởi lẽ, nếu xét chế độ lương của nhóm đối tượng này thì tính theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu mà họ nhận được lại thấp hơn mức lương tối thiểu tính theo quy định cũ tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.  Thay đổi này rõ ràng có phần mâu thuẫn với “xu hướng” tăng mức lương tối thiểu từ trước đến nay.

Ví dụ: Một người lao động đã qua học nghề làm việc cho một doanh nghiệp hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh – thuộc vùng I (trừ huyện Cần Giờ) thì người này được nhận mức lương tối thiểu tháng như sau:

Mức lương tối thiểu tính theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP là 4.680.000 đồngMức lương tối thiểu tính theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP là 107% x 4.420.000 đồng = 4.729.400 đồng.


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !