Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NGƯỜI PHẠM TỘI CHẾ TẠO TRÁI PHÉP VẬT NỔ CÓ TỔ CHỨC CÓ XEM LÀ TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?

1. Khái quát chung về tội chế tạo trái phép vật nổ có tổ chức

a) Khái niệm về vật liệu nổ và chế tạo trái phép vật nổ

“Vật liệu nổ” là vật liệu nổ quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP và tại Khoản 7 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bao gồm: Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích; Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ. Bên cạnh đó, vật liệu nổ còn được phân thành 2 loại là vật liệu nổ quân dụng (dùng trong mục đích quốc phòng, an ninh) và vật liệu nổ công nghiệp (dùng trong mục đích kinh tế, dân sự). 

“Chế tạo trái phép vật liệu nổ” được quy định tại Khoản 1 Điều 305 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) - (ở đây gọi là BLHS 2015) là hành vi làm ra, chế biến, pha chế, tạo ra vật liệu nổ mà không được sự cho phép của cơ quan hay người có thẩm quyền. Mặt khác, có trường hợp cũng bị coi là chế tạo trái phép vật liệu nổ đối với những cơ sở, doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng lại chế tạo vật liệu nổ khác nằm ngoài danh mục hoặc chế tạo nhiều hơn số lượng cho phép. Trừ một số trường hợp đặc biệt được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Đây cũng là dấu hiệu định tội cho tội chế tạo trái phép vật nổ có tổ chức.

b) Quy định khung hình phạt về tội chế tạo trái phép vật nổ có tổ chức

Về nguyên tắc, người nào có hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng…vật liệu nổ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 305 BLHS 2015. Cụ thể, luật áp dụng mức khung hình phạt cho người chế tạo trái phép vật liệu nổ là bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Bên cạnh đó, trường hợp phạm tội chế tạo trái phép vật liệu nổ có tổ chức sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

2. Dấu hiệu tội phạm để xem xét là tình tiết tăng nặng cho tội chế tạo trái phép vật nổ có tổ chức

a) Dấu hiệu tội phạm của tội chế tạo trái phép vật nổ có tổ chức

Thứ nhất, về dấu hiệu khách thể của tội phạm. Tội chế tạo vật liệu nổ xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, thông qua việc vi phạm trật tự quản lý nhà nước về chế tạo vật liệu nổ, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Bên cạnh đó, đối tượng tác động của tội phạm là vật liệu nổ. Vật liệu có hai loại, tuy nhiên tội phạm này chỉ có đối tượng là vật liệu nổ công nghiệp.

Thứ hai, về dấu hiệu khách quan của tội phạm. Hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm là chế tạo vật liệu nổ. Trong đó, chế tạo là hành vi làm mới hoàn toàn hoặc pha chế để thành các vật liệu nổ mới, có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm, người thực hiện một trong các hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không căn cứ vào hậu quả, nhưng hậu quả sẽ được xem xét là tình tiết tăng nặng.

Thứ ba, về dấu hiệu chủ quan của tội phạm. Người thực hiện hành vi phạm tội chế tạo vật liệu nổ thực hiện với lỗi cố ý. Tuy nhiên, động cơ và mục đích không phải là dấu hiệu định tội, bởi mục đích chủ yếu là vụ lợi, lợi ích vật chất.

Cuối cùng, về dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội chế tạo vật liệu nổ là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi luật định (từ 16 tuổi trở lên).

b) Tình tiết tăng nặng cho tội chế tạo trái phép vật nổ có tổ chức 

Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, hành vi phạm tội có tổ chức thuộc một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, cấu kết chặt chẽ với nhau, sắp đặt vai trò của người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Tuy nhiên, tình tiết tăng nặng này thường là yếu tố định khung hình phạt, nhất là đối với các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. 

Chính vì vậy, căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 52 và Điểm a Khoản 2 Điều 305 BLHS 2015, các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng, dù với quy định nêu trên thì người phạm tội chế tạo trái phép vật liệu nổ có tổ chức sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Bởi lẽ, việc phạm tội chế tạo trái phép vật nổ có tổ chức là dấu hiệu định khung hình phạt nên tình tiết có tổ chức không được coi là tình tiết tăng nặng.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !