Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

XÁC ĐỊNH QUỐC TỊCH TRẺ EM NHƯ THẾ NÀO? HỒ SƠ GỒM NHỮNG GÌ?

1. Quốc tịch và nguyên tắc xác định quốc tịch

Quốc tịch gắn với một người kể từ khi người đó được sinh ra (trừ một số trường hợp vì những lý do nhất định có thể có sự thay đổi quốc tịch). Một người có quốc tịch có nghĩa họ là công dân của nước mà họ mang quốc tịch. Nội dung quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý - chính trị có tính chất lâu dài, bền vững, ổn định cao về mặt thời gian, không bị giới hạn về mặt không gian giữa cá nhân cụ thể với chính quyền nhà nước nhất định. Chính vì vậy, các điều kiện, cách thức hưởng quốc tịch, mất quốc tịch hay thay đổi quốc tịch sẽ do pháp luật của mỗi nước quy định. Hiện nay, mỗi quốc gia đều có những căn cứ pháp lý cụ thể để xác định quốc tịch cho công dân của mình. Về mặt cơ bản, các quốc gia trên thế giới xác định quốc tịch của công dân theo 3 nguyên tắc, bao gồm nguyên tắc huyết thống, nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc thỏa thuận quốc tế.

- Nguyên tắc huyết thống: Nguyên tắc này quy định trẻ em sinh ra có cha mẹ, có cha hoặc mẹ là công dân nước nào thì được công nhận có quốc tịch nước đó. Trường hợp có xung đột về quốc tịch do cha và mẹ là công dân hai nước khác nhau thì pháp luật quy định lựa chọn quốc tịch cho con.

- Nguyên tắc lãnh thổ: Nguyên tắc này quy định trẻ em sinh ra trên lãnh thổ nước nào thì mang quốc tịch nước đó nếu cha hoặc mẹ là công dân nước đó hoặc không xác định được cha mẹ là ai.

- Nguyên tắc thỏa thuận quốc tế: theo Công ước Liên hợp quốc về hạn chế tình trạng không quốc tịch, các nước cam kết “hành động theo Nghị quyết 896 do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 04/12/1954; xem xét một cách thiện chí để giảm tình trạng không quốc tịch bằng một điều ước quốc tế”. Các quốc gia có thỏa thuận đa phương hoặc song phương về quốc tịch, những thỏa thuận này là cơ sở để xác định một bộ phận dân cư nhất định thuộc quốc tịch nước nào.

2. Xác định quốc tịch trẻ em như thế nào?

Hành lang pháp lý nước ta hiện nay quy định, để xác định trẻ em sinh ra mang quốc tịch Việt Nam cần căn cứ vào việc trẻ em có được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam hay không, cha mẹ có thỏa thuận việc lấy quốc tịch Việt Nam cho con hay không…Việc này nhằm hạn chế tình trạng không quốc tịch nên luôn tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam được có quốc tịch và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, theo Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), căn cứ xác định quốc tịch trẻ em được sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam được xác định là người có quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam và khi sinh ra có cả cha và mẹ đều là công dân Việt Nam.

- Sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà sinh ra có cha hoặc mẹ - chỉ một người là công dân Việt Nam còn người còn lại là người không có quốc tịch.

- Sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà sinh ra có mẹ là công dân Việt Nam còn cha thì không xác định được là ai.

- Cha hoặc mẹ một người là công dân Việt Nam, người còn lại là người nước ngoài nhưng cha mẹ có thoả thuận bằng văn bản về việc lấy quốc tịch Việt Nam cho con tại thời điểm đăng ký khai sinh cho con.

- Trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận việc lựa chọn quốc tịch của con là quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và khi sinh ra, cha mẹ đều là người không quốc tịch nhưng thường trú tại Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, mẹ là người không quốc tịch, có nơi thường trú tại Việt Nam còn cha thì không xác định được.

- Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ của trẻ em đó là ai. Với trường hợp này, nếu tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ nhưng người này lại chỉ có quốc tịch nước ngoài thì trẻ em này không còn quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em là công dân Việt Nam, được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em là người nước ngoài, được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì từ thời điểm được công nhận việc nuôi con nuôi sẽ có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em là người nước ngoài được cặp vợ chồng trong đó có một người là công dân Việt Nam, người còn lại là người nước ngoài nếu có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi thì được mang quốc tịch Việt Nam.

3. Hồ sơ xác định quốc tịch trẻ em

Để trẻ em được nhập quốc tịch Việt Nam và được xác định quốc tịch của trẻ em là quốc tịch Việt Nam thì theo quy định tại Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 cha mẹ cần phải chuẩn bị hồ sơ sau đây:

- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (thực hiện theo mẫu).

- Giấy khai sinh (nếu trẻ em là con của công dân Việt Nam - giấy tờ này dùng để chứng minh mối quan hệ này).

- Bản khai lý lịch.

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác phải có ảnh được đóng dấu kèm theo đầy đủ thông tin về họ tên của trẻ em, ngày tháng năm sinh của trẻ em hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị sử dụng.

- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch.

- Văn bản thỏa thuận của cha mẹ, có đầy đủ chữ ký của hai người về việc xin nhập quốc tịch cho trẻ em chưa thành niên theo cha mẹ (trong trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam). Nếu cha mẹ đã chết thì cần giấy tờ chứng minh cha mẹ đã chết, đã mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc các giấy tờ liên quan khác.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !