Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

SỐ DƯ TIỀN GỬI LÀ GÌ? THẾ CHẤP HAY CẦM CỐ PHÙ HỢP VỚI LOẠI TÀI SẢN NÀY?


Tài khoản tiền gửi là gì? Thế nào là số dư tiền gửi?

Tài khoản tiền gửi (deposit account) là tài khoản ghi tiền gửi của khách hàng ở các Tổ chức tín dụng. Đây là loại tài khoản được thiết kế để thu hút những khách hàng có số dư ít được sử dụng và được coi là công cụ tiết kiệm do số dư trong tài khoản tiền gửi được hưởng lãi suất. Tài khoản tiền gửi có thể bao gồm Tiền gửi tiết kiệm, Tiền gửi có kỳ hạn; Tài khoản thanh toán.

Trong đó:

  • Tiền gửi tiết kiệm: là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng. Người gửi tiền là công dân Việt Nam đủ điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN (Thông tư 48). Thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm (sau đây gọi chung là Thẻ tiết kiệm) là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.

  • Tiền gửi có kỳ hạn: Tiền gửi có kỳ hạn là khoản tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng với nguyên tắc hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho khách hàng. Người gửi tiền có thể là tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN (Thông tư 49).

  • Tài khoản thanh toán: đối tượng mở tài khoản thanh toán bao gồm cá nhân, tổ chức đủ điều kiện theo pháp luật quy định. Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được hướng dẫn tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN; Thông tư 02/2019/TT-NHNN; Thông tư 16/2020/TT-NHNN

Như vậy, số dư tiền gửi có thể hiểu là số dư trong tài khoản tiền gửi, bao gồm tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn và tài khoản thanh toán.

Thế chấp hay cầm cố phù hợp với loại tài sản này

Khi gửi tiền vào TCTD, bên gửi tiền sẽ có quyền đòi nợ đối với TCTD. Quyền đòi nợ là một quyền tài sản (tài sản vô hình) được quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự

Theo Điều 13 của Thông tư 48 quy định: “Tiền gửi tiết kiệm được sử dụng để làm tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”

Còn Điều 11 của Thông tư 49 cũng có quy định “Tiền gửi có kỳ hạn được sử dụng để làm tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”. 

Thông qua các quy định trên đã chỉ rõ số dư tiền gửi tiết kiệm và số dư tiền gửi có kỳ hạn có thể là tài sản bảo đảm. Tuy nhiên luật không quy định biện pháp bảo đảm nào sẽ được áp dụng cho loại tài sản này.

Cầm cố và thế chấp là hai trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong BLDS, trong đó:

  • Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nếu áp dụng biện pháp cầm cố thì sẽ không phù hợp với bản chất pháp lý của quyền tài sản và biện pháp cầm cố. Bởi lẽ quyền đòi nợ là quyền tài sản vô hình, không thể chuyển giao về mặt vật chất. Nếu áp dụng biện pháp này sẽ có rủi ro lớn cho TCTD nhận cầm cố thẻ tiết kiệm do một TCTD khác (là bên nhận tiền gửi) phát hành. 

  • Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Biện pháp thế chấp sẽ phù hợp với số dư tiền gửi dù là tiền gửi tiết kiệm hay tiền gửi có kỳ hạn bởi không đặt ra nghĩa vụ giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp và rộng hơn cũng là biện pháp bảo đảm áp dụng cho tất cả các loại quyền tài sản. Trong trường hợp thế chấp số dư tiền gửi, TCTD nào thực hiện đăng ký biện pháp thế chấp của mình trước sẽ có quyền được thanh toán trước TCTD đăng ký sau hoặc không đăng ký. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Để đảm bảo quyền lợi, trong cả trường hợp thế chấp tiền gửi của cá nhân lẫn của doanh nghiệp, cần có thỏa thuận cấm bên thế chấp không được rút hoặc thực hiện các giao dịch khác đối với tiền gửi đã thế chấp để bảo toàn giá trị của tài sản thế chấp. Trong trường hợp thế chấp tài khoản thanh toán, TCTD nên quy định một số dư tài khoản nhất định mà bên thế chấp phải duy trì trong quá trình hợp đồng thế chấp có hiệu lực để bảo đảm được việc có thể xử lý thế chấp sau này.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !