Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY THIỆT HẠI THÌ AI LÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM PHẢI BỒI THƯỜNG?NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY THIỆT HẠI THÌ AI LÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM PHẢI BỒI THƯỜNG?

1. Người chưa thành niên bao nhiêu tuổi? 

Bộ luật Dân sự 2015 đã dành ra một điều luật để quy định cụ thể về độ tuổi của người chưa thành niên. 

Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Như vậy, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Năng lực dân sự của người chưa thành niên được xác định như sau: 

- Người chưa đủ 06 tuổi khi giao dịch dân sự phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.  

- Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Tuy nhiên đối với các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi thì người đó có thể tự mình thực hiện. 

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự, trừ những giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

2. Người chưa thành niên gây thiệt hại thì ai là người có trách nhiệm bồi thường? 

Quay trở lại với vấn đề được nêu ở đầu bài viết, người chưa thành niên gây thiệt hại thì ai là người có trách nhiệm phải bồi thường? 

Như đã nói ở trên, người chưa thành niên được chia làm 3 giai đoạn, vậy có phải tất cả những người chưa thành niên khi gây thiệt hại đều phải bồi thường hay không? Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân đã nêu rõ về các trường hợp người chưa thành niên có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể như sau: 

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Theo đó, người chưa thành niên nhưng vẫn có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là người chưa đủ 15 tuổi và người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể như sau: 

  • Người chưa đủ 15 tuổi 

  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi 

a) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người chưa đủ 15 tuổi gây ra 

Trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra thuộc về cha, mẹ (nếu còn cha, mẹ). Như vậy, lúc này người chưa đủ 15 tuổi không có khả năng tự chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mình gây ra. Trường hợp cha mẹ không đủ nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thêm về đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra: 

Điều 599. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý

1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

Như vậy, bên cạnh cha mẹ, trường học cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra trong thời gian chịu sự quản lý của trường học. Trong trường hợp, trường học chứng minh được mình không có lỗi trong thời gian quản lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về cha mẹ của người dưới 15 tuổi gây thiệt hại. 

b) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây ra 

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã có thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự không liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Những người này đã có năng lực hành vi dân sự, do đó theo khoản 02 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, người từ đủ gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

c) Trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại có người giám hộ 

Khoản 03 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015: 

“3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Như vậy, trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại có người giám hộ sẽ được xử lý như các trường hợp sau: 

  • Người giám hộ dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường trong trường hợp người được giám hộ có đủ tài sản. 

  • Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình

  • Trường hợp người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Người chưa thành niên gây ra thiệt hại vẫn chịu trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại. Do đó, người chưa thành niên vẫn được miễn bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 hay được giảm mức bồi thường theo các quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !