Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

Thừa phát lại và những quy định cơ bản về nghề Thừa phát lại

Thừa phát lại đã không còn quá xa lạ nhưng không hẳn ai cũng hiểu rõ về nghề nghiệp này. Khi nhắc đến Thừa phát lại, nhiều người thường sẽ đề cập đến công việc tống đạt hay lập vi bằng. Tuy nhiên, Thừa phát lại bao gồm nhiều phạm vi công việc hơn. Ở góc độ pháp lý, bài viết sau đây sẽ cung cấp người đọc những quy định cơ bản về Thừa phát lại, nghề Thừa phát lại và những tiêu chuẩn để hành nghề này.
1. Thừa phát lại là gì?
“Thừa phát lại”, theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định pháp luật.
Trong đó:
- Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định pháp luật;
- Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật.
 
2. Quy định của pháp luật về Thừa phát lại
- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
- Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
 
3. Các công việc của Thừa phát lại
Dựa theo quy định của pháp luật, Thừa phát lại được thực hiện những công việc sau:
  • Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu.
  • Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
  • Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
  • Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Bên cạnh những công việc thuộc phạm vi thực hiện của Thừa phát lại, pháp luật cũng quy định những công việc mà chức danh này không được làm, bao gồm nhưng không giới hạn các công việc sau:
  • Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
  • Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
  • Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.
  • Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

4. Điều kiện để được bổ nhiệm Thừa phát lại
  • Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
  • Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
  • Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
  • Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.
  • Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Trong đó, một số trường hợp được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại nếu có các giấy tờ theo quy định của pháp luật, chẳng hạn:
(1) Quyết định bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên, Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Thẻ chấp hành viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
(2) Chứng chỉ hành nghề luật sư, Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên, Thẻ luật sư, Thẻ công chứng viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian hành nghề luật sư, công chứng từ 05 năm trở lên;
(3) Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật; Bằng tiến sĩ luật, trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
(4) Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự; thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
 
5. Những trường hợp nào cá nhân không được bổ nhiệm Thừa phát lại?
8 trường hợp cá nhân không được bổ nhiệm Thừa phát lại, bao gồm:
(1) Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
(2) Người đã được bổ nhiệm công chứng viên mà chưa miễn nhiệm, đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư/ đấu giá/ quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá mà chưa thu hồi.
(3) Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
(4) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
(5) Người quy định tại trường hợp (3) bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành.
(6) Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.
(7) Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.
(8) Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
 
Như vậy, Thừa phát lại là một chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm với những tiêu chuẩn riêng và phạm vi công việc của vị trí này cũng được quy định khá chặt chẽ. Theo đó, cử nhân luật ra trường không thể ngay lập tức làm việc ở vị trí này mà phải có ít nhất 3 năm làm việc tại các cơ quan, tổ chức sau tốt nghiệp. Điều này cũng phần nào xuất phát tính chất đặc thù của công việc đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm nhất định.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !