Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

KHÁCH THỂ LÀ GÌ? KHÁCH THỂ CỦA TỘI PHẠM GỒM NHỮNG LOẠI NÀO?

1. Khách thể là gì?

Khách thể là lợi ích vật chất, hoặc lợi ích về tinh thần, hoặc cả lợi ích về cả hai mặt mà các bên chủ thể mong muốn đạt được khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nhất định. Tuy nhiên, một số người còn hiểu rằng khách thể là đối tượng của nhận thức và tác động lên chủ thể là con người có ý thức và ý chí.

Trong mối tương quan với tội phạm nói chung, nhóm tội phạm và tội phạm cụ thể có khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. 

Trong đó, khách thể chung của tội phạm được hiểu là tổng hợp những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ và có thể bị tội phạm xâm hại. 

Những quan hệ xã hội được Luật hình sự Việt Nam bảo vệ là những quan hệ xã hội được xác định trong Bộ luật hình sự như độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,... chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các quyền nhân thân, quyền sở hữu... 

Khách thể loại của tội phạm được hiểu là nhóm các quan hệ xã hội cùng hoặc gần tính chất được nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ và bị nhóm các tội phạm xâm hại. Theo Luật hình sự Việt Nam hiện hành có 14 nhóm quan hệ xã hội như vậy.

2. Định nghĩa khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm và được hiểu là đối tượng bị tội phạm xâm hại. Luật hình sự coi đối tượng bị tội phạm xâm hại là quan hệ xã hội. Bất cứ tội phạm nào cũng đều xâm hại một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định được Luật hình sự bảo vệ.

Có rất nhiều quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi nhiều ngành luật khác nhau. Tuy nhiên, luật hình sự chỉ bảo vệ những quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Hiện nay, ta thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau về khách thể của tội phạm nhưng đa số cho rằng khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội. Tuy vậy, có người cũng cho rằng, quan hệ xã hội chỉ là khách thể chung.

3. Khách thể của tội phạm gồm những loại nào?

Cũng như hành vi khác của con người, hành vi phạm tội cũng hướng vào đối tượng nhất định nhưng không phải để cải biến mà gây thiệt hại cho đối tượng đó. Trong luật hình sự, đối tượng bị tội phạm hướng tới gây thiệt hại được gọi là khách thể của tội phạm.

Khách thể của tội phạm được luật hình sự chia làm ba loại: Khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp.

3.1. Khách thể chung của tội phạm.

Khách thể chung của tội phạm là tổng thể các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ bị tội phạm xâm phạm. Bất cứ hành vi tội phạm nào cũng xâm hại đến khách thể chung của tội phạm.

Theo quy định của khoản 1, Điều 8 Bộ Luật hình sự năm 2015, khách thể chung của tội phạm là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; các chế độ chính trị, kinh tế,  văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản,  quyền và lợi ích cơ bản, hợp pháp khác của công dân và các mặt khác của trật tự pháp luật xã hội.

Chúng ta có thể nhận thấy được chính sách của Nhà nước, đồng thời phân biệt được tội phạm với các vi phạm pháp luật khác ngoài tội phạm thông qua nghiên cứu khách thể chung.

3.2. Khách thể loại của tội phạm.

Đây là nhóm quan hệ xã hội với tính chất tương tự có mối liên hệ với nhau và bị xâm hại bởi một nhóm tội phạm.

Khách thể loại của tội phạm cho thấy trong Bộ luật hình sự chính là phần đầu đề của các chương quy định ở phần các tội phạm. Ví dụ: các tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; tội xâm phạm hôn nhân và gia đình,...

Trong công tác lập pháp, chủ yếu là nghiên cứu khách thể loại của tội phạm. Đây là căn cứ để hệ thống và sắp xếp mỗi chương trong phần riêng của Bộ luật hình sự sao cho phù hợp với tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Dựa trên cơ sở này, chúng ta có thể phân biệt được các nhóm tội phạm khác nhau được quy định trong Bộ luật hình sự.

3.3. Khách thể trực tiếp của tội phạm.

Khách thể trực tiếp là quan hệ xã hội cụ thể bị xâm hại trực tiếp bởi một đối tượng tội phạm cụ thể. Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết để cấu thành tội phạm theo quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.

Mỗi hành vi phạm tội thông thường sẽ xâm phạm đến một khách thể trực tiếp. Tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều trường hợp một hành vi phạm tội xâm hại đến nhiều khách thể, nhưng dựa vào nhiều yếu tố khác như: ý thức chủ quan và khách quan, hoặc những hậu quả đã gây ra, mà người có thẩm quyền quy định dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là khách thể trực tiếp nào, còn những tình tiết phụ khác có tính chất tăng nặng trách nhiệm hình sự là các khách thể nào.

Ví dụ: Hành vi cướp tài sản xâm phạm cùng lúc hai khách thể là quan hệ tính mạng con người và sở hữu tài sản. Tuy nhiên, căn cứ vào động cơ của tội phạm là nhằm chiếm đoạt tài sản nên tòa án sẽ xem dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm là quan hệ sở hữu.

Người làm luật thường quy định đối tượng tác động là khách thể trực tiếp chứ rất ít quy định ngay trong cấu thành tội phạm. Đây là đặc điểm dễ gây nhầm lẫn giữa khách thể với đối tượng tác động cho nhiều người.

Muốn xác định được khách thể trực tiếp, ta phải vừa dựa vào điều luật quy định về tội phạm đó xâm phạm đến cái gì, vừa phải dựa vào các chi tiết cấu thành nên tội phạm khác như: động cơ, mục đích, lỗi, các yếu tố khách quan, đặc điểm của chủ thể...

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !