Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CA DAO, TỤC NGỮ CÓ PHẢI LÀ TÁC PHẨM THUỘC VỀ CÔNG CHÚNG KHÔNG?

1. Tác phẩm là gì?

Tác phẩm được hiểu là những sản phẩm trí tuệ do con người viết ra, tạo ra, là kết quả của sự trí tuệ, sự sáng tạo bên trong con người. Người tạo ra những tác phẩm sẽ được gọi chung là tác giả.

Hoặc theo cách hiểu khác thì tác phẩm được hiểu là kết quả của hoạt động sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật cho đến khoa học đã được ấn định trên một hình thái vật chất hoặc được mặc định thể hiện ra thế giới bên ngoài thông qua hình thức nhất định.

Theo đó trong Luật sở hữu trí tuệ thì phạm vi và tính chất của tác phẩm được bảo hộ theo điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ rất rộng, không chỉ là những tác phẩm được tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình, không sao chép từ tác phẩm của người khác mà những tác phẩm phái sinh cũng thuộc đối tượng được bảo hộ với điều kiện người tạo ra những tác phẩm này không gây ảnh hưởng phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để tạo ra tác phẩm phái sinh.

Do vậy, tại khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) có đưa ra định nghĩa cụ thể về tác phẩm như sau: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học, được thực hiện bằng bất kỳ phương tiện hay dưới hình thức nào.”

Sản phẩm của lao động trí tuệ sẽ được thừa nhận là tác phẩm và được bảo hộ khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

- Tác phẩm là kết quả của hoạt động sáng tạo;

- Tác phẩm được ấn định trên hình thức vật chất hoặc được thể hiện thông qua hình thức nhất định;

- Tác phẩm phải là sản phẩm thuộc vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hay khoa học.

Đồng thời, theo quy định của Công ước Berne, tác phẩm được định nghĩa là sản phẩm sáng tạo trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học của tác giả là công dân của các quốc gia thành viên của Công ước.

Các tác phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ quyền tác giả, là tất cả những sáng tạo trí tuệ trên cơ sở độc lập, không sao chép các tác phẩm tồn tại trước đó và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

Tác phẩm được bảo hộ không phụ thuộc vào nội dung của nó và kể cả các tác phẩm không chứa nhiều nội dung có ít điểm chung với khoa học, nghệ thuật và văn học như hướng dẫn kỹ thuật đơn thuần, bản vẽ thiết kế máy, chương trình máy tính phục vụ cho tính toán cũng đều được bảo hộ quyền tác giả.

Trong đó, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian theo Điều 23 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác.

Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm:

- Truyện, thơ, câu đố là các loại hình nghệ thuật ngôn từ.

- Điệu hát, làn điệu âm nhạc;

- Điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi;

- Sản phẩm nghệ thuật đồ họa, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.

Theo quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả nêu trên, không có tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Tức là, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian không có thời hạn bảo hộ, bởi lẽ tác phẩm được lưu truyền bằng miệng, từ thế hệ này sang thế hệ khác và có nhiều dị bản, không thể biết chính xác tác phẩm công bố từ khi nào và cũng không thể bảo hộ tính nguyên gốc của tác phẩm.

Thêm vào đó, chủ sở hữu tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian không xác định rõ, họ có thể là cộng đồng tập thể một địa phương, một làng nghề, một nhóm nghệ nhân lưu giữ tư liệu về tác phẩm hoặc là công chúng.

  1. Quy định pháp luật về tác phẩm thuộc về công chúng

Căn cứ theo Điều 43 Luật sở hữu tí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định:

“Điều 43. Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về công chúng

1. Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này và cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định tại Điều 34 của Luật này thì thuộc về công chúng.

2. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả, người biểu diễn quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về công chúng.”

Trong đó, thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 27 như sau:

“Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.”

Từ những quy định trên, chúng ta thấy rằng tác phẩm thuộc về công chúng trong những trường hợp sau.

Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh: sau thời hạn là 70 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng.

Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình: sau thời hạn là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng.

Đối với các tác phẩm không thuộc vào các loại hình tác phẩm nên trên: sau thời hạn là 50 năm tiếp theo năm tác giả chết, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng.

Lưu ý: Thời điểm tác phẩm thuộc về công chúng nói một cách chính xác là sau 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Như vậy, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng khi hết thời hạn bảo hộ, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng và mọi người được phép khai thác, sử dụng tác phẩm đó với điều kiện không xâm phạm tới quyền nhân thân của tác giả.

Do đó, ca dao, tục ngữ không phải là tác phẩm thuộc về công chúng, tuy nhiên, khi sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian dù không phải xin phép nhưng phải có trích dẫn nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo những giá trị đích thực của tác phẩm.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !