Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

ÂM THANH CÓ ĐƯỢC BẢO HỘ DƯỚI DẠNG NHÃN HIỆU?

Trước đây, tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về điều kiện chung đối với hiệu được bảo hộ như sau:

Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Theo đó, trước đây nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải được thể hiện dưới dạng nhìn thấy.

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 72 như sau:

“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;”


Như vậy, âm thanh đã được bổ sung vào dấu hiệu được bảo hộ đối với nhãn hiệu.


Ngoài ra, Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 cũng bổ sung các dấu hiệu loại trừ không được bảo hộ là với danh nghĩa nhãn hiệu âm thanh như quốc ca của Việt Nam và các nước, quốc tế ca để tương ứng với các dấu hiệu loại trừ không bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu thông thường nhìn thấy được khác.


Các quy định nói trên của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư) quy định chi tiết về thẩm định khả năng phân biệt, cách thức công bố đơn và lưu giữ hồ sơ đối với nhãn hiệu âm thanh.

Có thể thẩy, để các sản phẩm/dịch vụ của mình dễ được nhận biết hơn so với sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, các nhà sản xuất/kinh doanh ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, cũng chú trọng đến việc sử dụng các dấu hiệu mới lạ làm nhãn hiệu để tạo ấn tượng, thu hút người tiêu dùng.


Mặt khác, sử dụng các loại dấu hiệu mới làm nhãn hiệu cũng là để đáp ứng một phần nhu cầu tích hợp và tận dụng các chức năng mới của sản phẩm công nghệ hiện đại, thông minh, đặc biệt trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay. Theo đó, nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện được chức năng vốn có của một nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng.


Vậy đối tượng nào được bảo hộ làm nhãn hiệu âm thanh?

Theo tìm hiểu, thực tiễn sử dụng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh của một số nước cho thấy đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu âm thanh bao gồm:


Thứ nhất, tất cả các loại âm thanh thuộc một trong các loại âm thanh dưới đây được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau:

- Âm nhạc (cả nhạc có lời và nhạc không lời), âm nhạc có thể là một đoạn nhạc hoặc cả một bản nhạc đã tồn tại hoặc mới được sáng tác;

- Các âm thanh là tiếng của con người phát ra, ví dụ như tiếng hét, cười, khóc của con người…;

- Các âm thanh do các hoạt động của con người tạo ra, ví dụ như tiếng vỗ tay, tiếng bước chân chạy…;

- Các âm thanh là tiếng kêu của động vật, ví dụ như tiếng vịt kêu, tiếng sư tử gầm, tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng chó sủa…;

- Các âm thanh là tiếng động phát ra từ động cơ, máy móc, ví dụ như tiếng nổ máy, tiếng chuông…;

- Các âm thanh là tiếng động tự nhiên, ví dụ như tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi, tiếng gió rít…;


Thứ hai, không có quy định về độ dài đoạn âm thanh được sử dụng và đăng ký làm nhãn hiệu. Hiện âm thanh ngắn nhất được sử dụng và đăng ký nhãn hiệu có độ dài 1 giây, đa phần các nhãn âm thanh có độ dài dưới 30 giây.


Các sản phẩm, dịch vụ được sử dụng nhãn hiệu âm thanh thường là các nhóm sản phẩm dịch vụ liên quan đến phần mềm máy tính; dịch vụ giải trí truyền hình; thiết bị và dịch vụ viễn thông; dịch vụ cung cấp dữ liệu trên internet; các sản phẩm thông minh; thiết bị, dịch vụ y tế…


Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam, đây là một đối tượng hoàn toàn mới. Do đó, Việt Nam cần phải học hỏi các quy định pháp luật, cũng như kinh nghiệm thực tiễn thẩm định và bảo hộ loại nhãn hiệu này của các nước.


Để có thể thực thi các quy định về nhãn hiệu âm thanh tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022, cần có các hướng dẫn chi tiết về đối tượng này trong các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư, Quy chế thẩm định) đồng thời với việc chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như nhân lực để phục vụ công tác thẩm định và lưu trữ loại nhãn hiệu này.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !