Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

QUỸ ĐẤT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN

Quỹ đất là thuật ngữ đã trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực luật đất đai. Tuy nhiên, không phải ai cũng thật sự hiểu rõ về quỹ đất. Bài viết sau đây sẽ cung cấp người đọc hiểu rõ hơn về bản chất của loại “quỹ” này.

1. Quỹ đất là gì?

Quỹ đất là thuật ngữ để chỉ tổng diện tích đất hiện tại của một đơn vị, địa phương. Nó bao gồm tất cả các loại đất sẵn có và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các ngành, tổ chức.

Thực tế, quỹ đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như xây dựng trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu khách sạn, nhà hàng,... Việc phân chia và sử dụng này phải dành cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng vào mục đích phù hợp, hợp pháp, tuân thủ đủ các điều kiện trong luật đất đai.

Riêng với trường hợp cần sử dụng cho mục đích khai thác trồng trọt thì cần xét đến tính chất của nhóm đất đó và kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương đã được phê duyệt. Sau khi đã phân bổ mà quỹ đất vẫn còn thừa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành hội họp, rà soát và thống kế. Sau đó sẽ tiếp tục phân chia cho những đối tượng đang có nhu cầu.

2. Quỹ đất thuộc quản lý của đơn vị nào?

Theo các quy định hiện hành thì Tổ chức phát triển quỹ đất chính là cơ quan quản lý quỹ đất.

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật; có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đối với địa phương đã có Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện thì tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất trên cơ sở hợp nhất Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện hiện có.

Vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất

Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng sau:

- Tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; 

- Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; 

- Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; 

- Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác.

Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên thực tế, quỹ đất sẽ trực thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất do Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp quản lý. Quy trình thẩm định và phân chia quỹ đất phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc khai thác, quản lý do Nhà nước ban hành. Kinh phí hoạt động được thực hiện theo quy định về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Quản lý và duy trì tốt quỹ đất địa phương sẽ góp phần to lớn đến sự phát triển kinh tế.

  1. Nguyên tắc quản lý quỹ đất

Để đảm bảo cho quá trình sử dụng, phát triển quỹ đất diễn ra một cách hợp lý, tích cực, Nhà nước ta đã ban hành những quy định, nguyên tắc quản lý quỹ đất gì? 

Đảm bảo thống nhất, công bằng

“Đất đai là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” Do đó, quỹ đất được xem là một loại tài sản chung, mọi cá nhân đều có quyền sử dụng, song song với đó là nghĩa vụ gìn giữ, phát triển. Nghiêm cấm mọi đối tượng xâm chiếm, chiếm đoạt chúng thành tài sản riêng. Thẩm quyền chỉnh sửa quy định pháp luật đất đai do Nhà nước làm đại diện hợp pháp tối cao. (quy định cụ thể tại Điều 4 Luật Đất đai 2013)

Kết hợp giữa quyền sử dụng và sở hữu

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì quyền sử hữu sẽ bao gồm 3 quyền cơ bản, đó là sử dụng, chiếm hữu, định đoạt. Trong đó, quyền sử dụng chính là thuật ngữ dùng để chỉ hành động khai thác và hưởng những lợi ích liên quan mà quỹ đất được cấp mang lại. Phía cơ quan Nhà nước không trực tiếp tiến hành sử dụng nhưng vẫn tiến hành thu thuế hằng năm. Thuế này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và phí sử dụng đất.

Dung hòa mục đích sử dụng

Một trong những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu khi phân bổ quỹ đất đó là đảm bảo thực hiện tất cả những lợi ích cần thiết của người sử dụng. Tuy nhiên, với bản chất đất đai vẫn là tài sản chung, mục đích sử dụng của cá nhân phải dung hòa với lợi ích của xã hội. Tuyệt đối không vì lợi ích của một cá nhân, một  nhóm, một tập thể mà ảnh hưởng đến cá nhân, xã hội.

Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả

Quỹ đất hiện nay đang có xu hướng thu hẹp, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các thế hệ khác trong tương lai. Do đó, Nhà nước luôn khuyến khích và có những quy định, giải pháp để việc sử dụng quỹ đất diễn ra một cách hiệu quả, tránh lãng phí, bỏ trống.

  1. Các loại quỹ đất

Theo quy định của pháp luật đất đai, quỹ đất được phân chia thành nhiều loại khác nhau, dựa trên những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, có hai loại phổ biến là quỹ đất công và quỹ đất sạch.

Quỹ đất công

Khái niệm về quỹ đất công hiện vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Luật đất đai 2013. Tuy nhiên, thông qua các điều luật liên quan, có thể hiểu quỹ đất công chính là phần đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do cơ quan Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Mục đích sử dụng của đất công khá đa dạng như: sử dụng cho mục đích công cộng, quốc phòng an ninh, đất giao thông, đất có di tích lịch sử văn hóa,...

Quỹ đất sạch 

Hiện nay, trong quy định của Luật đất đai không có khái niệm cụ thể về quỹ đất sạch. Trên thực tế, có thể hiểu đây là cụm từ dùng để chỉ những diện tích đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng theo như kế hoạch đã được thông qua từ trước. 

 




 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !