Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIÁ ĐỀN BÙ ĐẤT NUÔI TRỒNG THỦY SẢN LÀ NHƯ THẾ NÀO?

1. Đất nuôi trồng thủy sản là gì?

Đất nuôi trồng thuỷ sản thuộc nhóm đất nông nghiệp, nên ta có thể hiểu đây là đất nông nghiệp được sử dụng với mục đích nuôi trồng thuỷ sản. Loại đất này bao gồm: ao hồ, đầm, sông, ngòi, kênh, rạch, đất có mặt nước ven biển, bãi bồi ven sông, bãi cát, cồn biển, đất sử dụng cho kinh tế trang trại…Tại Điểm 1.3 mục I, phụ lục 1 Thông tư 28/2014/TT-BTNMT về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường ban hành có quy định về khái niệm đất nuôi trồng thủy sản như sau:

“1.3. Đất nuôi trồng thuỷ sản

Đất nuôi trồng thuỷ sản là đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thuỷ sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt”.

2. Khung giá đất nuôi trồng thủy sản

Khung giá đất chính là các quy định của Chính phủ về xác định giá đất từ tối thiểu đến tối đa cho mỗi loại đất cụ thể. Đây là cơ sở để các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm căn cứ để xây dựng và công bố, điều chỉnh bảng giá đất ở các địa phương đó và áp dụng để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tính tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất…Tại Điều 113 Luật Đất đai 2013 có quy định về khung giá đất như sau:

“Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”.

Theo đó, khung giá đất sẽ được Chính Phủ ban hành định kỳ 05 năm một lần đối với mỗi loại đất và theo từng vùng. Trong nội dung của khung giá đất sẽ quy định về mức giá tối thiểu, mức giá tối đa đối với từng loại đất và được quy định theo các vùng kinh tế, loại đô thị.

3. Hình thức đền bù đối với đất nuôi trồng thủy sản

Đối với trường hợp người dân bị Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ các mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng hoặc những mục đích khác nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ được hưởng chính sách đền bù đất. Cụ thể, theo Điều 74 Luật Đất Đai 2013, người dân khi có đất bị thu hồi mà đủ điều kiện được đền bù theo quy định thì sẽ được đền bù theo 02 hình thức sau:

Thứ nhất, đền bù bằng đất: Diện tích đất bị thu hồi được đền bù bằng diện tích đất khác tương đương có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi. Đối với những trường hợp đất mới và đất cũ có chênh lệch về giá trị thì phải thanh toán bằng tiền đối với phần chênh lệch đó.

Thứ hai, đền bù bằng tiền: Trong những trường hợp nhà nước không có quỹ đất tương tự để đền bù thì giá đền bù đất nông nghiệp của người dân sẽ được bồi thường bằng một khoản tiền bằng giá trị đất sở hữu tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi.

Ngoài ra, theo Điều 77 Luật Đất đai 2013, đối với diện tích đất vượt hạn mức, người sử dụng đất sẽ được bồi thường như sau;

- Không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

- Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày 01/7/2014 thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

    - Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2014 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

4. Giá đền bù đất nuôi trồng thủy sản là như thế nào?

Giá bồi thường đối với đất bị thu hồi sẽ dựa trên bảng giá bán đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Công thức tính như sau:

Giá đền bù đất nông nghiệp = Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi (m2) x Giá đền bù đất (VNĐ/m2)


Trong đó:

Giá đền bù đất = Giá đất ghi trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh đất nông nghiệp qua mỗi năm x Hệ số điều chỉnh khác (nếu có)


Do đó, để xác định giá đất được bồi thường thì cơ quan chức năng cần điều tra, thu thập thông tin về thửa đất đó, giá nhà đất hiện nay cũng như những thông tin về giá đất trên cơ sở dữ liệu đất đai để áp dụng phương pháp định giá đất đền bù cho phù hợp. Ngoài việc nhận bồi thường giá trị đất bị thu hồi, người dân còn được hỗ trợ về đời sống. Theo Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP về mức hỗ trợ ổn định đời sống của công dân sau khi đã bị thu hồi đất nông nghiệp như sau: Một nhân khẩu sẽ được nhận tiền tương đương với 30kg gạo trong 01 tháng theo thời giá hiện tại trung bình được hỗ trợ của địa phương. Theo đó, nếu thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì mỗi nhân khẩu được hỗ trợ tối đa là:

- 06 tháng nếu nhân khẩu đó không phải di chuyển chỗ ở.

- 12 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển chỗ ở.

- 24 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.

Nếu thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì mỗi nhân khẩu được hỗ trợ:

- 12 tháng nếu nhân khẩu đó không phải di chuyển chỗ ở.

- 24 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển chỗ ở.

- 36 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !