Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI?


1. Khái niệm:

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN. Do đó để xác định được khái niệm này cần dựa trên các quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015), Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020)… Theo quy định các các văn bản nêu trên thì một tranh chấp được xem là tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN phải thỏa mãn hai điều kiện: (1) là tranh chấp BTTH về môi trường và (2) phải có YTNN.

Tuy nhiên, Luật BVMT 2020 cũng không đưa ra khái niệm thế nào là tranh chấp về môi trường hay tranh chấp BTTH về môi trường mà chỉ liệt kê các loại tranh chấp cụ thể về môi trường tại Khoản 1 Điều 162 như sau:

“a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại về môi trường.”

Từ đó có thể xác định đây là một dạng tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng, vậy nên phải thoả mãn bốn điều kiện cơ bản sau: (1) phải có hành vi gây ra thiệt hại, (2) phải có thiệt hại xảy ra, (3) phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra và (4) người gây thiệt hại có lỗi.

Về YTNN của tranh chấp BTTH về môi trường được xác định theo văn bản pháp luật khác, cụ thể là Khoản 2 Điều 663 BLDS 2015 và Khoản 2 Điều 464 BLTTDS 2015, dựa trên ba tiêu chí về chủ thể, sự kiện pháp lý và đối tượng của quan hệ đó. Do đó, có thể rút ra khái niệm tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN như sau: Là tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng phát sinh giữa các bên trong đó có một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; hoặc đều là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; hoặc đều là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài và nội dung tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích gắn với trách nhiệm BTTH do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường,... tại Việt Nam.

2. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN tại Toà án Việt Nam:

Thông thường các vụ việc liên quan đến tranh chấp có YTNN đều thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam (TAVN) dựa trên các nguyên tắc của TPQT Việt Nam. Cụ thể tại điểm đ Khoản 1 Điều 469 BLTTDS 2015 quy định thẩm quyền chung của TAVN đối với tranh chấp khi việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, điểm c Khoản 1 Điều 470 BLTTDS 2015 cũng quy định về thẩm quyền riêng biệt của TAVN dựa trên sự lựa chọn của các bên. Nghĩa là, nếu các bên không lựa chọn TAVN mà lựa chọn toà án nước ngoài thì TAVN sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên.

3. Xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN tại Toà án Việt Nam:

Khoản 4 Điều 162 Luật BVMT 2020 quy định như sau: “Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.” Có thể hiểu rằng, pháp luật VIệt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Nghĩa là, nếu nội dung của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với pháp luật Việt Nam thì ưu tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó mà không áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

Mà theo quy định tại Điều 687 BLDS 2015, đối với tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận chọn luật thì pháp luật áp dụng cho tranh chấp sẽ là luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại. Trong trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có cùng nơi cư trú đối với cá nhân hoặc cùng nơi thành lập đối với pháp nhân thì pháp luật nước đó được áp dụng. Từ đó cho thấy, nếu thiệt hại xảy ra ở đâu thì pháp luật quốc gia đó sẽ được áp dụng, trừ trường hợp các bên có nơi cư trú hoặc được thành lập tại cùng một quốc gia. Nghĩa là, khi thiệt hại xảy ra ở nhiều quốc gia khác nhau, luật của từng quốc gia đó sẽ phải được áp dụng. Hơn nữa, phạm vi thẩm quyền của TAVN đối với tranh chấp lại không bị giới hạn bởi tranh chấp chỉ liên quan đến thiệt hại tại Việt Nam. Do đó, có sự mâu thuẫn tại quy định của Luật BVMT 2020 và BLDS 2015 mà có thể dẫn đến việc từ chối áp dụng luật nước ngoài như quy định của Điều 687 BLDS 2015 và dễ bị coi là trái với nguyên tắc áp dụng BLDS, có thể bị loại bỏ không áp dụng.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !