Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CÓ CẦM CỐ ĐƯỢC KHÔNG?

1. Cầm cố là gì?

Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.” 

Cầm cố là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của pháp luật dân sự khi lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản, bên có nghĩa vụ với mục đích đảm bảo với bên có quyền rằng bản thân mình chắc chắn thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, bên có quyền sẽ sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định nhằm xử lý tài sản cầm cố thay cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Ngược lại, đối với bên có quyền, lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản là để đảm bảo rằng quyền của mình sẽ được bảo đảm bằng hành vi hoặc bằng tài sản của bên có nghĩa vụ.

2. Có được cầm cố Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?

Để trả lời cho mục tiêu đặt ra, như vậy ta chỉ cần trả lời câu hỏi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là tài sản hay không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”

Điều 115 quy định về Quyền tài sản: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”

Đồng thời đối chiếu vào Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Như vậy, từ những căn cứ pháp lý đưa ra có thể thấy: Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Hay nói cách khác, Giấy chứng nhận không phải là tài sản, mà chỉ là một loại chứng từ để công nhận quyền lợi của chủ thể.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013, các quyền của người sử dụng đất bao gồm: Thừa kế, cho tặng, cho thuê, cho thuê lại, chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Việc cầm cố quyền sử dụng đất không được pháp luật quy định cũng như không cấm.

Mặt khác, nếu chủ sở hữu là cá nhân trong nước, người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, hộ gia đình, tổ chức thì có quyền được bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thế chấp, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, góp vốn, ủy quyền quản lý. Nếu cho tặng hay để thừa kế dành cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì theo Điểm d, Khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014, các đối tượng này chỉ có thể hưởng giá trị nhà ở đó.

Nghĩa là, theo quy định, người dân không được cầm cố sổ đỏ, đồng thời người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở không được quyền cầm cố quyền sử dụng đất, nhà ở nhưng được thế chấp.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !