1. Khái quát chung về hợp đồng vô hiệu
a) Khái niệm về hợp đồng vô hiệu
Hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể cho thuật ngữ “hợp đồng vô hiệu”. Tuy nhiên, tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) có quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”.
Như vậy, có thể hiểu hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, cũng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Cụ thể, hợp đồng vô hiệu không đáp ứng một trong các điều kiện được quy định tại BLDS 2015 như:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập.
- Chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện.
- Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
b) Phân loại hợp đồng vô hiệu
+ Căn cứ vào thủ tục tố tụng
Tùy vào tính trái pháp luật mà hợp đồng có thể vô hiệu tuyệt đối hoặc vô hiệu tương đối (như xâm phạm đến quyền lợi của ai, quyền lợi bị vi phạm thế nào…). Một hợp đồng sẽ bị tuyên bố là vô hiệu tuyệt đối khi việc xác lập hợp đồng đó trái với pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc lợi ích chung, lợi ích công cộng. Hợp đồng sẽ bị xem là đương nhiên vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vô hiệu do giả tạo.
- Có các nội dung vi phạm những điều mà pháp luật cấm.
- Có nội dung hoặc mục đích trái với giá trị đạo đức xã hội.
- Có hình thức khác với các hình thức quy định của pháp luật, đã được Tòa án cho thời hạn để thay đổi hình thức đúng theo quy định nhưng không thay đổi.
- Hợp đồng vi phạm về hình thức nhưng các bên chưa thực hiện và có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng cũng được xem là vô hiệu tuyệt đối.
Còn hợp đồng vô hiệu tương đối sẽ bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu khi có yêu cầu của các bên liên quan. Cụ thể, hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu tương đối khi:
- Được xác lập bởi các chủ thể không có năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi tương ứng với yêu cầu của pháp luật đối với giao dịch theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Vô hiệu do bị đe dọa hoặc bị lừa dối hay do nhầm lẫn.
- Vô hiệu do người xác lập trong tình trạng không thể nhận thức hoặc không điều khiển được hành vi của mình.
+ Căn cứ vào phạm vi hợp đồng
Xét theo phạm vi, hợp đồng vô hiệu được chia thành hai loại là hợp đồng vô hiệu toàn bộ và hợp đồng vô hiệu từng phần. Cụ thể, hợp đồng vô hiệu toàn bộ là hợp đồng có toàn bộ nội dung bị tuyên bố là vô hiệu. Một số hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ khi chỉ 1 phần nội dung vô hiệu, nhưng đó lại là phần nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng. Còn hợp đồng vô hiệu từng phần là hợp đồng chỉ có 1 phần nội dung vô hiệu khiến phần đó không có giá trị pháp lý. Vì vậy, hợp đồng vẫn có hiệu lực và các bên vẫn có thể thực hiện theo thỏa thuận với những phần nội dung có hiệu lực.
2. Cách xác định lý do vô hiệu hợp đồng
Về mặt nguyên tắc, việc xác định lý do vô hiệu của hợp đồng chính là xác định hợp đồng đó thiếu điều kiện có hiệu lực nào. Bởi lẽ, hợp đồng vô hiệu vì những lý do khác nhau sẽ dẫn đến các hệ quả khác nhau như: xác định chủ thể có quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, xác định mức độ lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại…Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề khi xác định lý do hợp đồng vô hiệu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hợp đồng vô hiệu do nội dung vi phạm điều cấm của luật và do thiếu điều kiện về hình thức đôi lúc cũng rất dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ như hợp đồng mua bán tài sản thông qua đấu giá chỉ có thể vô hiệu với lý do hợp đồng chính của nó, là hợp đồng dịch vụ đấu giá vô hiệu. Theo đó, cần yêu cầu tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá vô hiệu, nếu việc thực hiện không đúng trình tự của công chứng viên hoặc vi phạm điều cấm của luật. Nếu chỉ vi phạm những điều khoản thông thường của Luật sẽ không dẫn tới vô hiệu cả 2 hợp đồng nói trên.
LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.