Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI LÀ GÌ? CÓ NHỮNG HÌNH THỨC TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI?


Tranh chấp thương mại là gì?

Theo Điều 238 Luật Thương mại (LTM) 1997 định nghĩa Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại tại LTM 1997 là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của thương nhân, bao gồm việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục đích lợi nhuận hoặc nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên đến LTM 2005 thì không còn điều khoản riêng định nghĩa thế nào là Tranh chấp thương mại, và thuật ngữ Hoạt động thương mại tại LTM 2005 cũng được giải thích khác đi như sau: Theo khoản 1  Điều 3 LTM 2005, Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Có thể thấy, hoạt động thương mại theo LTM 2005 đã được sửa đổi, thay thế để mang nội hàm rộng hơn, bao gồm cả các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Và cũng từ đó, tranh chấp thương mại hiện nay sẽ hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ phát sinh do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại như LTM 1997 đã đề cập mà là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Nó có thể phát sinh do vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi các bên trong hoạt động thương mại.

Đặc điểm của tranh chấp thương mại

Thứ nhất, chủ thể trong tranh chấp thương mại chủ yếu là giữa các thương nhân. Thương nhân là những chủ thể hoạt động thương mại một cách thường xuyên và chủ yếu nên tranh chấp thương mại xảy ra sẽ thường liên quan đến chủ thể là thương nhân.

Thứ hai, nội dung tranh chấp thường liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các bên.

Thứ ba, các mối quan hệ trong tranh chấp thương mại cụ thể giữa các bên có thể là Mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; cho thuê, cho thuê mua; xây dựng, vận chuyển hàng hóa; Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Phân loại tranh chấp thương mại

Tùy vào những căn cứ khác nhau, tranh chấp thương mại có thể chia thành các nhóm sau:

- Căn cứ theo phạm vi lãnh thổ: Bao gồm tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại quốc tế.

- Căn cứ vào số lượng các bên tranh chấp: bao gồm tranh chấp thương mại hai bên và tranh chấp thương mại nhiều bên.

- Căn cứ vào lĩnh vực tranh chấp: tranh chấp thương mại gồm tranh chấp liên quan đến hợp đồng, tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đầu tư.

- Căn cứ vào quá trình thực hiện: bao gồm các tranh chấp thương mại trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng và tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Có những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nào?

Căn cứ Điều 317 LTM, có các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại là:

- Thương lượng giữa các bên: đây là phương thức giải quyết thông qua cơ chế tự bàn bạc giữa các bên, không cần sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.

- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải: có sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ các bên tìm ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp đang phát sinh. 

- Giải quyết tại Trọng tài: Được tiến hành khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

- Giải quyết tại Tòa án: đây là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, thực hiện theo một trình tự thủ tục nhất định theo quy định của luật.

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.

Thời hạn khiếu nại, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp thương mại được quy định cụ thể tại Điều 318, 319 LTM 2005.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !