Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG BỊ XỬ PHẠT THẾ NÀO?

1. Gây rối trật tự công cộng là gì?

Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây ra thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Đây là hành vi xâm phạm đến con người, đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc xâm phạm đến sở hữu và diễn ra tại nơi công cộng. Trong đó, nơi công cộng được hiểu là những địa điểm “kín” (như rạp hát, rạp chiếu phim…) hoặc “mở” (như sân vận động, công viên, đường phố…) mà ở đó các hoạt động chung của xã hội được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.

Các ví dụ điển hình cho hành vi gây rối trật tự công cộng được biểu hiện cụ thể như: Cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người; Có hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng; Tụ tập, hò hét, đua xe trái phép; Hành hung người làm nhiệm vụ hoặc người tự nguyện tham gia bảo vệ trật tự nơi công cộng; Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng…

2. Yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng

           2.1. Chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng

Chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần là người có hành vi vi phạm quy định về gây rối trật tự công cộng đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

           2.2. Khách thể của tội gây rối trật tự công cộng

Khách thể của tội gây rối trật tự công cộng là tội xâm phạm đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở nơi công cộng. Dưới góc độ thực tiễn, hành vi này thường là khởi đầu cho những hành vi phạm tội khác kế tiếp như giết người, cố ý gây thương tích…hoặc cũng có những hành vi phạm tội khác mà dẫn đến gây rối công cộng như tổ chức đua xe, đánh bạc…Khi đó, hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội.

           2.3. Mặt chủ quan của tội gây rối trật tự công cộng

Xét về mặt chủ quan của tội phạm này là người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng với lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp.

           2.4. Mặt khách quan của tội gây rối trật tự công cộng

Xét về mặt khách quan của tội phạm này là người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng, đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng hay đập phá các công trình công cộng, trong quán ăn, quán nước giải khát có đông người…

Trên thực tế, nếu người có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng đó. Ví dụ, trước hoặc sau khi có hành vi gây rối mà có hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này khi hành vi gây rối mà chưa đến mức cấu thành tội phạm cụ thể nào khác. Hành vi cấu thành tội phạm khi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm.

3. Gây rối trật tự công cộng bị xử phạt thế nào?

           3.1. Mức xử phạt hành chính đối với tội gây rối trật tự công cộng

Mức xử phạt hành chính đối với tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy theo từng hành vi cụ thể trong các Khoản 1 đến Khoản 11 Điều 7 Nghị định này.

           3.2. Mức xử phạt hình sự đối với tội gây rối trật tự công cộng

Mức xử phạt hình sự đối với tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

Như vậy, người có hành vi gây rối trật tự công cộng ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu án tù từ 03 tháng đến 07 năm.

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !