Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NHỮNG TRƯỜNG HỢP NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

1. Bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp


- Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp sẽ phụ thuộc vào mức bảo hiểm xã hội mà người lao động đóng lúc còn làm việc.

- Trợ cấp thất nghiệp là một trong 4 chế độ của bảo hiểm thất nghiệp, là khoản tiền cơ quan bảo hiểm xã hội phải trả nhằm hỗ trợ cho người lao động giải quyết tình trạng thất nghiệp. Các chế độ đó gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ duy trì việc làm.


2. Điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 thì:

"Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;"

Đây là những điều kiện đủ để được nhận bảo hiểm thất nghiệp.


3. Trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ vào quy định pháp luật, tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong đó có chín trường hợp người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các trường hợp cụ thể bao gồm:

  •  Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Cụ thể tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật lao động 2019 quy định trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì người lao động đó sẽ không được trợ cấp thôi việc, đồng thời phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày thôi việc mà không báo trước.

  •  Người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ ưu đãi dành cho người lao động để có thu nhập trong thời gian chưa tìm được việc làm. Do vậy, nếu người lao động được hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì điều đó cũng vẫn đang có một nguồn thu nhập từ chính sách này, cũng vì vậy mà người lao động sẽ không đồng thời được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp này.

  • Người lao động đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an

Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người lao động hưởng một số khoản trợ cấp, phụ cấp nhất định như: Phụ cấp theo quân hàm hiện hưởng; trợ cấp một lần sau khi xuất ngũ; trợ cấp tạo việc làm…. Do đó, người lao động vẫn có khoản thu nhập để trang trải cuộc sống do thế cũng  không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

  •  Người lao động đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên

Trường hợp người lao động chưa tìm được việc làm nhưng đang đi học có thời hạn từ đủ 01 năm trở lên thì cũng không thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, nếu người lao động đang đi học nhưng có thời hạn đi học dưới 12 tháng thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng được các điều kiện khác theo quy định để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

  •  Người lao động đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện.

Người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại thuộc một trong các trường hợp trên sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

  •  Người lao động bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù

Khi bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù, người lao động sẽ bị mất quyền lợi được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Quy định này mang tính chất răn đe người lao động, để người lao động không tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội.

  •  Người lao động ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sửa đổi bổ sung 2019, thì trường hợp ra nước ngoài định cư, người lao động sẽ được rút tiền bảo hiểm xã hội một lần mà khoản tiền bảo hiểm xã hội rút ra mang ý nghĩa trợ cấp cho người lao động nên người lao động sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

  •  Người lao động chết                                                                      

Khi người lao động chết, thân nhân sẽ được hưởng một số khoản trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất theo quy định, nếu đủ điều kiện nhưng sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vì Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ trực tiếp, hỗ trợ cho chính người lao động chứ không gián tiếp hoặc nhận thay cho người thân của người lao động.

  •  Người lao động không nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong 03 tháng, từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động

Khoản 3 Điều 49 của Luật Việc làm 2013 yêu cầu trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động đủ điều kiện phải nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Nếu ngoài 03 tháng mà không nộp hồ sơ, người lao động sẽ mất quyền lợi.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !