Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là gì?

Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà các chủ thể trong vụ án có quyền khởi kiện đến Toà án nhân dân để yêu cầu cơ quan này giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể đó khi bị xâm phạm”. Tuy nhiên, để nắm rõ khái niệm này, Bộ luật Dân sự có giải thích các khái niệm liên quan gồm:

- Thời hiệu là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó sẽ phát sinh hậu quả pháp lý với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

- Khởi kiện là việc cá nhân, tổ chức gửi đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan này bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khởi kiện có thể tự thực hiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp.

Có thể ví dụ về thời hiệu khởi kiện một cách dễ hiểu như sau:

Anh A và anh B có tranh chấp với nhau về việc trả nợ tiền vay. Theo quy định về thời hiệu nêu trên, anh A chỉ được khởi kiện anh B trong một khoảng thời gian nhất định để đòi nợ từ anh B. Hết thời hạn này, anh A không có quyền khởi kiện anh B nữa. Thời hạn này chính là thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.

2. Cách tính thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Điều 151 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:“Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”.

Trong đó, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết/phải biết về quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Riêng thời hiệu khởi kiện về hợp đồng, Điều 429 Bộ luật Dân sự quy định là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết/phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

3. Một số tranh chấp dân sự cụ thể áp dụng thời hiệu khởi kiện:

a) Thời hiệu thừa kế

Về thời hiệu thừa kế, theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Quy định về thời hiệu thừa kế tại Điều 623 của Bộ luật dân sự năm 2015 là quy định mới so với quy định về thừa kế của Bộ luật dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

b) Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đây là điểm mới so với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 607 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm hại.

c) Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 132 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với:

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn;

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

– Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là 02 năm, kể từ ngày:

+ Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

+ Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

+ Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

+ Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

+ Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Đây là điểm mới so với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 136 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với:

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn;

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa;

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

– Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

d) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng

Theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Đây là điểm mới so với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm hại.

4. Trường hợp nào không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự?

Việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự gồm các trường hợp sau đây:

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất.

- Trường hợp khác.

Đồng thời, các khoảng thời gian sau đây sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện của vụ án dân sự (theo Điều 156 Bộ luật Dân sự đang có hiệu lực):

- Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng/trở ngại khách quan khiến chủ thể có quyền khởi kiện không thể thực hiện quyền khởi kiện của mình trong phạm vi thời hiệu đang có hiệu lực.

Trong đó:

+ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan, không lường trước được và dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết cũng như khả năng cho phép mà không thể khắc phục được.

+ Trở ngại khách quan là trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động khiến người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm/không thể thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

- Người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện.

- Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết/chấm dứt tồn tại hoặc không thể tiếp tục đại diện vì lý do chính đáng.

5. Hết thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, có bắt đầu lại được không?

Vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có 03 trường hợp gồm:

- Bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần/toàn bộ nghĩa vụ với người khởi kiện.

- Bên có nghĩa vụ thừa nhận/thực hiện xong một phần nghĩa vụ với người khởi kiện.

- Các bên tự hoà giải với nhau.

Trong các trường hợp này, thời hiệu khởi kiện sẽ được bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !