Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

DI SẢN THỪA KẾ LÀ GÌ? CÁCH XÁC ĐỊNH DI SẢN THỪA KẾ?

      1. Di sản thừa kế là gì? 
      Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản thừa kế được quy định như sau:
      Điều 612. Di sản
      Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
      Từ đó có thể rút ra di sản thừa kế có các đặc điểm sau đây:
      - Là tài sản của người chết (người để lại di sản thừa kế) để lại cho người khác sau khi người để lại di sản thừa kế chết.
      - Gồm: Tài sản riêng của người để lại di sản thừa kế, phần tài sản của người để lại di sản thừa kế trong tài sản chung với người khác. Do đó, di sản thừa kế có thể là tiền, tài sản gồm bất động sản, động sản (nhà, đất, công trình gắn liền với đất…), giấy tờ có giá. Có thể kể đến một số loại tài sản thường gặp gồm:
      + Tiền, vàng, đá quý, đồ trang sức khác.
      + Nhà ở, đất ở hình thành do mua bán, tặng cho, thừa kế… nhà ở hình thành trong tương lai…
      + Cổ phần, chứng khoán…
      - Được định đoạt sau khi người để lại di sản thừa kế chết theo hai hình thức: Theo di chúc hoặc được chia theo pháp luật. Trong đó, điều kiện để chia di sản thừa kế theo hai phương pháp kia như sau:
      + Theo di chúc: Người để lại di sản thừa kế có lập di chúc hợp pháp để lại tài sản của mình cho người khác (có thể là bất cứ ai theo ý muốn cả người để lại di sản thừa kế).
      + Theo pháp luật: Khi không có di chúc, có di chúc nhưng không hợp pháp hoặc một phần di chúc không hợp pháp… thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, pháp luật sẽ chia thừa kế căn cứ theo hàng thừa kế.
      Như vậy, di sản thừa kế là tài sản của cá nhân (tài sản riêng và một phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác) để lại cho người khác sau khi người này chết.
 
      2. Cách xác định di sản thừa kế 
      2.1. Theo di chúc
      Di chúc là văn bản thể hiện ý muốn chuyển tài sản của mình sang cho người khác sau khi người đó chết. Do đó, khi chia di sản thừa kế theo di chúc thì sẽ thực hiện theo ý chí của cá nhân được thể hiện trong di chúc hợp pháp.
      Trong đó, người để lại di chúc có quyền chỉ định người nào được hưởng di sản thừa kế, không được hưởng di sản thừa kế, dành di sản để di tặng, thờ cúng hoặc giao nghĩa vụ cho người thừa kế…
      Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, để di chúc hợp pháp có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
      - Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị đe doạ, cưỡng ép, lừa dối; nội dung không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức không trái quy định.
      - Nội dung của di chúc gồm: Ngày tháng năm lập; họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc và người được hưởng; địa chỉ nơi di sản tọa lạc, chi tiết về di sản thừa kế…
      Như vậy, chia di sản thừa kế theo di chúc phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người lập di chúc (xét trường hợp di chúc hợp pháp).
      2.2. Theo pháp luật
      Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
      Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
      1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
      a) Không có di chúc;
      b) Di chúc không hợp pháp;
     c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
      d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
      2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
      a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
      b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
     c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
      Qua đó, có thể thấy không giống với chia thừa kế theo di chúc, di sản thừa kế được chia theo pháp luật bao gồm các trường hợp như sau:
      - Không có di chúc.
     - Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp toàn bộ hoặc một phần. Trong trường hợp di chúc không hợp pháp một phần thì chỉ chia thừa kế phần di chúc không hợp pháp.
      - Người thừa kế theo di chúc chết trước/chết cùng thời điểm người lập di chúc.
      - Người hưởng thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.
     Và đặc biệt, việc chia thừa kế theo pháp luật là chia di sản thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định. Trong đó, các hàng thừa kế gồm 03 hàng thừa kế được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
      Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
      1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
      a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
      b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
      c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
     2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
     3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

     Và việc hưởng thừa kế sẽ thực hiện theo thứ tự: Hàng thừa kế thứ nhất. Khi tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất đều không được hưởng di sản do chết, không có quyền hưởng, bị truất hoặc từ chối nhận di sản thì người ở hàng thừa kế thứ hai mới được hưởng. Tương tự, hàng thừa kế thứ ba được hưởng khi hàng thừa kế thứ hai không còn người thừa kế nào. Về việc phân chia phần hưởng của từng người thì khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự đã quy định rõ.

     Như vậy, khi chia thừa kế theo pháp luật thì những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Hàng trước sẽ được ưu tiên hưởng thừa kế. Khi hàng trên không còn ai được hưởng thì người ở hàng sau mới được hưởng.


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !