Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

TRANH CHẤP QUYỀN TÁC GIẢ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI?


1. Thế nào là tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài?

Quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo đó, quyền này phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện ra bên ngoài d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký (khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). 

Như vậy, tranh chấp quyền tác giả là việc tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các chủ thể có liên quan đến quyền tác giả. Cụ thể theo khoản 1 Mục I Phần A Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP bao gồm:

- Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, tác phẩm phái sinh;

- Tranh chấp giữa các đồng tác giả về phân chia quyền đồng tác giả;

- Tranh chấp giữa cá nhân và tổ chức về chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm;

- Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với tác giả về tiền nhuận bút, tiền thù lao cho tác giả sáng tạo tác phẩm trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng;

- Tranh chấp về thực hiện quyền nhân thân hoặc quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

- Tranh chấp về quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu giữa người cung cấp tài chính và các Điều kiện vật chất có tính chất quyết định cho việc xây dựng, phát triển chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu với người thiết kế, xây dựng chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu;

- Tranh chấp về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu giữa người đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu với người tham gia sáng tạo và người sản xuất ra tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu hoặc tranh chấp giữa họ với nhau về tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác;

- Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, vì lý do việc sử dụng làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;

- Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao vì lý do người sử dụng không trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

- Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả hoặc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ bản quyền tác giả;

- Tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền tác giả;

- Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền tài sản quy định tại Điều 20 và quyền nhân thân theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.

- Tranh chấp khác về quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, để một quan hệ dân sự về tranh chấp quyền tác giả được xem là một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì cần phải đáp ứng một trong ba điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015:

Thứ nhất, có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo đó, việc xác định yếu tố nước ngoài phải dựa trên cơ sở quốc tịch của các chủ thể tham gia. Một cá nhân được coi là người nước ngoài khi không có quốc tịch Việt Nam, họ có thể mang một hay nhiều quốc tịch nước ngoài hoặc cũng có thể là người không quốc tịch. Đối với pháp nhân, pháp nhân nước ngoài là pháp nhân có quốc tịch nước ngoài. Tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia, quốc tịch của pháp nhân sẽ được xác định khác nhau. Có nước căn cứ vào nơi thành lập pháp nhân, có nước căn cứ vào nơi đặt trụ sở chính của pháp nhân,…

Thứ hai, các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. Như vậy, nếu các bên đều có quốc tịch Việt Nam nhưng phát sinh tranh chấp tại nước ngoài thì cũng được coi là có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Ở đây yếu tố nước ngoài được xác định dựa vào đối tượng của quan hệ chứ không phải dựa vào quốc tịch như trên.

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài 

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì những tranh chấp dân sự về sở hữu trí tuệ bao gồm tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Điều 26 BLTTDS 2015 và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có mục đích lợi nhuận tại Điều 30 BLTTDS 2015 thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. 

Cụ thể, các tranh chấp trên có yếu tố nước ngoài tại Điều 35 BLTTDS 2015 sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân cấp tỉnh. 

Như vậy, các tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân cấp tỉnh. 

3. Xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài 

Trước hết, nếu Việt Nam và quốc gia nơi quyền tác giả bị tranh chấp hoặc một bên trong tranh chấp có quốc tịch của quốc gia đó đều là thành viên của Điều ước quốc tế liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thì áp dụng Điều ước quốc tế đó đối với tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài.

Trường hợp Điều ước quốc tế có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.

Nếu không có Điều ước quốc tế thì việc xác định pháp luật áp dụng đối với tranh chấp quyền tác giả có yếu tố nước ngoài căn cứ vào Điều 679 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ”. Có thể thấy tại Điều này, pháp luật được áp dụng khi xảy ra tranh chấp là pháp luật của quốc gia nơi mà quyền tác giả bị xâm phạm và được chủ sở hữu yêu cầu bảo hộ tại quốc gia đó. Cần chú ý, quyền tác giả tại quốc gia đó phải được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ thì chủ sở hữu mới có thể yêu cầu bảo hộ tại quốc gia đó hay nói cách khác thì pháp luật quốc gia đó mới được áp dụng cho giải quyết tranh chấp. 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !