Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP RANH GIỚI 2 THỬA ĐẤT LIỀN KỀ?

1. Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất

Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản:

“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận; theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại trên 30 năm mà không có tranh chấp. Như vậy, để xác định cụ thể ranh giới giữa hai thửa đất liền kề như sau:

Thứ nhất, trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất, cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt,…và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ.

Thứ hai, ranh giới thửa đất được xác định căn cứ theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp, các quyết định hành chính có liên quan.

Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc báo cho Ủy ban cấp xã. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp; đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp.

2. Trình tự và thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Đầu tiên, thẩm quyền thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã khi giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường hòa giải tại cơ sở. Đây là điều kiện bắt buộc nếu các bên muốn tiến tới giải quyết tranh chấp bằng con đường khởi kiện tại Tòa án, trừ khi tranh chấp đó liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung vợ chồng là quyền sử dụng đất,…

Các bên phải tự lựa chọn hòa giải hoặc hòa giải cơ sở tại UBND cấp xã. Nếu hòa giải thành thì kết thúc tranh chấp. Nếu có thay đổi về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau); đến Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với các trường hợp khác). Nếu hòa giải không thành thì tiến hành bước tiếp theo sau đây.

Tiếp đến, tùy từng trường hợp cụ thể mà thẩm quyền giải quyết khác nhau:

Thứ nhất, tranh chấp mà đương sự có các giấy tờ liên quan: Thẩm quyền thuộc về Tòa án dân sự cấp huyện.

Thứ hai, tranh chấp mà đương sự không có các giấy tờ liên quan:

*Nếu tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau:

  • Thẩm quyền thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.

  • Trường hợp đương sự khiếu nại quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện: Thẩm quyền thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Tòa án dân sự cấp huyện.

*Nếu tranh chấp có 1 bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

  • Thẩm quyền thuộc về UBND cấp tỉnh

  • Nếu đương sự khiếu nại quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện: Thẩm quyền thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Tòa án dân sự cấp huyện.

Tức là khi có xảy ra tranh chấp, đương sự có quyền lựa chọn giải quyết bằng 1 trong 2 hình thức sau:

  • UBND:

  • Cấp huyện (Nếu là tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau).

  • Cấp tỉnh (Nếu là tranh chấp có 1 bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc trong trường hợp khiếu nại quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện).

  • Tòa án nhân dân:

  • Theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự

  • Theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính (Trường hợp khiếu nại quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh)

Cơ sở pháp lý: Điều 202, 203 Luật đất đai 2013; Điều 35, 36 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP Hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ Luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

3. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp ranh giới đất liền kề

  • Đơn khởi kiện phải đáp ứng điều kiện về nội dung và hình thức theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 (Mẫu số 23-DS – Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

  • Các giấy tờ chứng minh về nhân thân (Sổ hộ khẩu, CMND/CCCD)

  • Biên bản hòa giải không thành tại UBND cấp xã.

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất/ Sổ đỏ/ Sổ hồng (Trường hợp đã có).

  • Các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Trường hợp chưa có).

  • Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện: Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp,…

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !