Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CẢNH SÁT GIAO THÔNG CÓ ĐƯỢC QUYỀN GIỮ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CỦA NGƯỜI VI PHẠM KHÔNG?

1. Cảnh sát giao thông có được kiểm tra căn cước công dân của người tham gia giao thông?

Điểm a Khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông được có quyền kiểm soát các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện giao thông, bao gồm: Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (áp dụng với ô tô, xe máy chuyên dùng), Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, và các giấy tờ khác liên quan theo quy định của pháp luật.

Do đó, khi bị CSGT dừng xe để tuần tra kiểm soát, nếu yêu cầu xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD, người tham gia giao thông phải tuân thủ và cung cấp đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu.

2. Cảnh sát giao thông có được giữ căn cước công dân của người vi phạm giao thông không?

Khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định: “Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.

Đồng thời căn cứ tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này”.

Theo đó, cảnh sát giao thông có thể tạm giữ một trong các giấy tờ của người vi phạm giao thông như giấy phép lái xe, giấy tờ đăng ký xe hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện giao thông vi phạm.

Nếu như người vi phạm không xuất trình được một trong những giấy tờ nêu trên thì cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm.

Do đó, cảnh sát giao thông không được quyền giữ căn cước công dân hoặc bất kỳ loại giấy tờ tùy thân nào khác của người vi phạm giao thông.

3. Cảnh sát giao thông được giữ phương tiện vi phạm giao thông của người vi phạm trong thời gian bao lâu?

Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm b khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định: 

“Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật này nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật này thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Theo đó, cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm tối đa là 07 ngày kể từ ngày tạm giữ, trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời gian tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm có thể kéo dài hơn thời hạn nêu trên trong một số trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong trường hợp nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát theo nhiệm vụ, kế hoạch bao gồm:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !