Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

ĐẶC TRƯNG PHÁP LÝ CỦA TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Quan hệ về ngôn nhân và gia đình luôn có những đặc trưng riêng. Do đó, việc giải quyết những tranh chấp trong luật hôn nhân gia đình cũng có những đặc thù riêng của loại án về hôn nhân và gia đình.

  1. Khái niệm về tranh chấp hôn nhân và gia đình

Tranh chấp hôn nhân gia đình là các tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh của hai bên trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Các loại tranh chấp hôn nhân và gia đình bao gồm:

  • Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

  • Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

  • Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

  • Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

  • Tranh chấp về cấp dưỡng.

  • Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

  • Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.

  • Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

  1. Đặc trưng pháp lý của tranh chấp hôn nhân và gia đình

Thứ nhất, tranh chấp về hôn nhân và gia đình là việc phát sinh tranh chấp giữa cá nhân này với cá nhân khác trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình.
Muốn trở thành chủ thể trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình thì cá nhân đó phải có năng lực hành vi và năng lực pháp luật. Tùy theo từng quan hệ khác nhau như kết hôn, ly hôn,... mà có những quy định yêu cầu về năng lực hành vi năng lực pháp luật khác nhau cho từng cá nhân. Những người không có năng lực hành vi hoặc bị mất năng lực hành vi thì quyền và nghĩa vụ về nhân thân cũng như tài sản sẽ do những người giám hộ thực hiện, trừ trường hợp, quyền kết hôn thì không ai được thay thế. Bên cạnh đó, trong trường hợp quyền và nghĩa vụ của một người bị xâm phạm trong quan hệ hôn nhân gia đình thì có quyền khởi kiện ra Tòa án. Ngoài ra, để tiến hành khởi kiện một cách độc lập thì cá nhân đó phải có năng lực hành vi tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tại khoản 2 Điều 57. Trường hợp họ không có năng lực hành vi tố tụng thì không thể tự tiến hành khởi kiện tại Tòa án.

Thứ hai, có nhiều mối quan hệ pháp luật đan xen khi giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình.

Theo yêu cầu của người khởi kiện, khi tranh chấp các vấn đề liên quan quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân và gia đình, Tòa án có thể giải quyết nhiều quan hệ pháp luật mới có thể đảm bảo tính triệt để và toàn diện của vụ việc. Xuất phát từ yêu cầu đặc trưng giải quyết toàn diện vụ án nên ngoài việc áp dụng văn bản pháp luật hôn nhân gia đình thì cũng cần áp dụng các văn bản khác để điều chỉnh các quan hệ về tài sản có liên quan.

Thứ ba, vấn đề về thời hiệu khởi kiện không áp dụng đối với các quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Quan hệ hôn nhân và gia đình được pháp luật điều chỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng hôn nhân và gia đình Việt Nam bền vững và lâu dài. Mặt khác, quan hệ nhân thân được xem là quan hệ chủ đạo nên cần có một cơ chế riêng để bảo vệ quan hệ đó. Thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng cho một số trường hợp tranh chấp có liên quan đến quyền tài sản, còn những tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân thì không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp về ly hôn, pháp luật không cho phép người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.

Tranh chấp về ly hôn có đặc thù là giải quyết vấn đề về tình cảm vợ, chồng. Tình cảm thì gắn liền với nhân thân, chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu hết được những vấn đề và quyết định có tiếp tục hay dừng lại. Tuy nhiên, đối với các vấn đề về tranh chấp quyền cấp dưỡng, quyền nuôi con, tranh chấp về chia tài sản chung khi ly hôn, chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân sẽ không bị giới hạn trong quy định này.

Thứ năm, tính chất của mối quan hệ hôn nhân quyết định thủ tục tố tụng và cách giải quyết vấn đề nội dung tranh chấp. Về tính chất của quan hệ hôn nhân, có ba mối quan hệ là hôn nhân hợp pháp, hủy việc kết hôn trái pháp luật, những trường hợp nam nữ sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn nên không được xem là vợ chồng. Về thủ tục tố tụng, việc xác định rõ quan hệ hôn nhân của đương sự trong vụ án và yêu cầu của đương sự là căn cứ để xác định việc hôn nhân và gia đình hay vụ án hôn nhân và gia đình.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !