Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

HỢP ĐỒNG SONG VỤ LÀ GÌ? QUYỀN HOÃN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRONG HỢP ĐỒNG SONG VỤ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

1. Khái quát chung về hợp đồng song vụ.
1.1 Khái niệm về hợp đồng song vụ
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Nói cách khác, mỗi bên chủ thể tham gia hợp đồng vừa là người có quyền vừa là người có nghĩa vụ, nên trong nội dung của hợp đồng này, quyền dân sự của chủ thể tham gia này đối lập tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại. Do đó, hợp đồng là cơ sở để phát sinh nghĩa vụ. Nghĩa vụ được hiểu là việc mà các bên phải thực hiện chuyển giao quyền, giao vật/trả tiền/giấy tờ có giá để thực hiện hoặc không thực hiện một công việc mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Công việc này được thực hiện vì lợi ích của một hay nhiều chủ thể có quyền.
1.2 Bản chất của hợp đồng song vụ
Về bản chất, hợp đồng song vụ là loại hợp đồng cân bằng lợi ích của các bên khi tham gia hợp đồng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hợp đồng song vụ chỉ phục vụ lợi ích của một bên, hoặc hợp đồng quy định lợi ích của các bên không cân bằng hoặc không bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế có rủi ro bị vô hiệu. Trong đó, phải kể đến một số loại hợp đồng song vụ điển hình như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng ủy quyền…
1.3. Quy định thực hiện hợp đồng song vụ
Từ góc độ pháp lý, khi đã có thỏa thuận nghĩa vụ cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật trong hợp đồng song vụ, thì các bên phải đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với bên kia đúng thời hạn như đã thỏa thuận, không được hoãn thực hiện vì lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 411 và Điều 413 Bộ luật Dân sự 2015 (vì đây là hai trường hợp ngoại lệ đối với việc thực hiện không đúng thời hạn của các bên trong hợp đồng song vụ). Việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ được quy định tại Điều 410 của Bộ luật này.

2. Hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ
2.1. Trường hợp được hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ
Về nguyên tắc, nghĩa vụ đã được các bên thiết lập trong hợp đồng song vụ phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hoàn thành theo nguyên tắc thiện chí, nếu không sẽ được cho là vi phạm hợp đồng và gánh chịu chế tài tương ứng. Tuy nhiên, pháp luật nước ta cũng có quy định những trường hợp mà bên có nghĩa vụ được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ. Trong đó, việc hoãn thực hiện nghĩa vụ được hiểu là nghĩa vụ tạm thời dừng lại, không tiếp tục thực hiện cho đến một thời hạn nhất định. Quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ được áp dụng cho các nghĩa vụ thực hiện không đồng thời, theo đó bên phải thực hiện nghĩa vụ trước hoặc sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ nếu bên còn lại vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, cụ thể được quy định tại Điều 411 Bộ luật dân sự 2015.
Mặc dù luật có một điều khoản riêng quy định về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có thể được tìm thấy ở các quy định riêng lẻ về hợp đồng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên, và quy định này còn được cho là cụ thể hơn trong từng trường hợp.

2.2. Thời hạn hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ
Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định thời hạn cụ thể để tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ. Việc này xuất phát từ nguyên nhân do một bên có nghĩa vụ trước nhưng không thực hiện nghĩa vụ, hoặc một bên không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ. Vì vậy, việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ của một bên là phản ứng hợp lý trước sự mất khả năng của bên kia, và với một cách hợp lý nào sau đó, các bên sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình khi căn cứ để tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ không còn.

2.3. Hệ quả của việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ
Có thể thấy, nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các bên đã khiến việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ trở thành hành vi phản ứng hợp lý của một bên trước sự bất khả thi trong việc thực hiện nghĩa vụ của bên kia. Mặt khác, trong nhiều trường hợp lại là do sự vi phạm hợp đồng của một bên. Do đó, vấn đề được đặt ra trong việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ là phải nỗ lực để xóa bỏ căn cứ của nó – sự không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của một bên. Điều này phụ thuộc nhiều vào bên không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Khi các bên nỗ lực và khắc phục được trong khoảng thời gian hợp lý thì hợp đồng sẽ được tiếp tục (nhưng bên vi phạm hợp đồng vẫn sẽ chịu chế tài). Tuy nhiên, nếu việc thực hiện hợp đồng trở nên bất khả thi đối với một bên dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết thì hợp đồng sẽ không thể tiếp tục. Lúc này, bên vi phạm hợp đồng phải chịu những chế tài tương ứng theo thỏa thuận và theo luật định.
Tóm lại, hợp đồng song vụ đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay ở mọi loại giao kết, giao dịch trong đời sống xã hội. Do đó, hiểu rõ về hợp đồng song vụ và quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ sẽ giúp chúng ta nắm rõ các thông tin pháp lý về vấn đề này, đảm bảo tốt hơn cho quyền và lợi ích của bản thân khi tham gia ký kết hợp đồng song vụ.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !