Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÁC LOẠI HÌNH CÔNG TY DOANH NGHIỆP THEO PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP HIỆN HÀNH

Xác định mô hình kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư cần xem xét đến trước khi gia nhập vào thị trường. Để những nhà đầu tư có thể dễ dàng tận dụng những lợi thế về tính chất kinh doanh hay quy mô ngành nghề của mình, thì Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã phân chia các loại hình doanh nghiệp như sau: 

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn

  • Công ty cổ phần

  • Công ty hợp danh

  • Doanh nghiệp tư nhân

  1. Công ty trách nhiệm hữu hạn 

Công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi là TNHH) là một trong những loại hình phổ biến nhất hiện nay ở nước ta và hoạt động ở hai dạng gồm công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên. 

+ Đối với công ty TNHH một thành viên: Chủ sở hữu công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

+ Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: Số lượng thành viên từ 02 đến tối đa 50 người. Trong đó, các thành viên góp vốn vào công ty trở thành thành viên công ty, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Mức độ quyết định của công ty sẽ theo tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên. 

  • Đặc điểm của công ty TNHH: 

Ưu điểm

- Công ty TNHH có tư cách pháp nhân nên có sự phân biệt giữa tài sản cá nhân chủ sở hữu và tài sản doanh nghiệp. Do đó, các thành viên trong công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác nằm trong phạm vi vốn góp và hạn chế rủi ro cho họ. 

- Việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty được quy định khá chặt chẽ, hạn chế sự gia nhập của người lạ từ bên ngoài. Hơn nữa, các thành viên trong công ty có quyền ưu tiên mua lại vốn chuyển nhượng, chỉ khi trong trường hợp đã ra yêu cầu nhưng không có thành viên nào mua thì người đó mới có quyền chuyển nhượng cho một cá nhân hoặc tổ chức khác bên ngoài công ty. 

- Mô hình công ty TNHH có số lượng không quá 50 người và thường là người quen biết, tin tưởng lẫn nhau nên việc điều hành, quản lý công ty không quá phức tạp. 

Nhược điểm

- Chịu sự quản lý của Nhà nước chặt chẽ hơn so với loại hình Doanh nghiệp tư nhân. 

- Cả hai dạng công ty TNHH đều không được phép phát hành cổ phiếu do đó vẫn còn sự hạn chế trong việc huy động vốn. 

+ Trong một số trường hợp, đối với công ty TNHH 1 thành viên, nếu muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển đổi vốn điều lệ cho một thành viên khác, thì chỉ có thể chuyển đổi mô hình sang dạng công ty TNHH hai thành viên trở lên. 

+ Một số trường hợp khác, do mô hình doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với hoạt động của mình dẫn đến nhiều đối tác không thật sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro. 


  1. Công ty cổ phần 

Công ty cổ phần là mô hình doanh nghiệp phổ biến đứng sau công ty TNHH. Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp, có vốn điều lệ được chia thành nhiều cổ phần bằng nhau, mà người sở hữu những cổ phần này, gọi là cổ đông. Để thành lập một công ty cổ phần cần tối thiểu 3 thành viên và số lượng thành viên không bị hạn chế. 

  • Đặc điểm công ty cổ phần: 

+ Công ty cổ phần được phát hành các loại cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty theo quy định pháp luật. 

+ Công ty cổ phần bắt buộc phải có Đại hội đồng cổ đông, trừ trường hợp có dưới 11 cổ đông thì không bắt buộc. 

+ Công ty cổ phần mới thành lập cần có ít nhất 03 cổ đông sáng lập, có quyền được ưu tiên mua cổ phần nếu các thành viên khác muốn chuyển nhượng trong 3 năm đầu thành lập. 

Ưu điểm 

- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân nên cũng hạn chế trách nhiệm của các cổ đông khi góp vốn đầu tư. 

- Công ty cổ phần không hạn chế số lượng thành viên tham gia và phạm vi đối tượng tham gia là khá rộng. Việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần diễn ra tự do, chỉ trừ các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Hơn nữa, chỉ có công ty cổ phần là có quyền phát hành chứng khoán nên việc huy động vốn cũng trở nên dễ dàng, linh hoạt hơn. Đây là một trong những cơ hội nếu nhà đầu tư muốn mở rộng tiềm lực kinh doanh đa ngành nghề, thì có thể nhanh chóng sinh lời. 

Nhược điểm 

- Việc tổ chức và điều hành mô hình doanh nghiệp quá đông có thể gây ra nhiều bất cập đối với sự phát triển công ty. So với ưu điểm về số lượng thành viên của công ty TNHH đã phân tích ở trên, thành viên trong công ty cổ phần có rất nhiều người không quen biết nhau nên dễ xuất hiện sự chia rẽ thành nhiều nhóm cổ đông có mâu thuẫn với nhau về lợi ích. Điều này thậm chí còn trở thành rào cản kìm hãm doanh nghiệp khi các cổ đông không thống nhất cùng đưa ra quyết định. 

-  Công ty cổ phần chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các quy định pháp luật đối với các vấn đề về kế toán và thuế. 

- Quyền của các nhà điều hành bị hạn chế và chi phối bởi quyết định thông qua từ phía các thành viên nắm giữ cổ phần công ty. 

  1. Công ty hợp danh 

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp ít khi được lựa chọn để thành lập công ty. Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Mô hình này được xem là mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp tư nhân (sau đây gọi là DNTN) và công ty TNHH. Thành viên hợp danh phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty (giống như chủ DNTN); Thành viên góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

  • Đặc điểm của công ty hợp danh: 

+ Thành viên hợp danh không được là chủ của DNTN hoặc là thành viên hợp danh của một công ty hợp danh khác trừ khi có sự đồng ý của các thành viên còn lại. 

+ Không giới hạn số lượng thành viên tối đa của công ty hợp danh 

+ Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. 

Ưu điểm

- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân nên có sự phân biệt giữa tài sản cá nhân và tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm của các thành viên hợp danh vẫn là vô hạn.  

- Có lợi thế kêu gọi vốn đầu tư bằng hình thức bổ sung thêm thành viên mà không bị giới hạn số lượng. 

- Quyền lực trong công ty thường tập trung vào những thành viên hợp danh và những người này cũng có trách nhiệm vô hạn đối với công ty cho nên họ càng dễ tạo dựng niềm tin đối với khách hàng và đối tác của mình.  

Nhược điểm

- Công ty không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào nên việc huy động vốn vẫn còn hạn chế. 

- Các thành viên hợp danh trong công ty gánh rủi ro cao hơn khi phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình. 

  1. Doanh nghiệp tư nhân 

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN và không đồng thời làm chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. 

Ưu điểm 

- Thuộc sở hữu của một cá nhân duy nhất nên người này được toàn quyền quyết định tất cả các hoạt động của doanh nghiệp mình (mua bán, chuyển nhượng, giải thể,…)  mà không phải thông qua bất kỳ ai. 

- Tự do sử dụng lợi nhuận kinh doanh sau thuế mà không cần phân chia 

- Thủ tục thành lập công ty đơn giản. 

- Chủ doanh nghiệp phải chịu toàn bộ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình nên dễ dàng xây dựng lòng tin từ phía khách hàng. 

Nhược điểm 

- DNTN không có tư cách pháp nhân nên phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản riêng đối với nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp. 

- Chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình dù có đang cho thuê doanh nghiệp hay thuê người khác quản lý doanh nghiệp. 

- DNTN không được phát hành chứng khoán nên khả năng huy động vốn không cao, chủ yếu bằng cách vay thế chấp ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng… 

- Mỗi cá nhân có sự giới hạn khi chỉ được thành lập một DNTN và không thể đứng tên chủ hộ kinh doanh hay thành viên của một công ty hợp danh khác. 



LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !