1. Khái quát chung về giấy phép môi trường
a) Khái niệm về giấy phép môi trường
Về mặt pháp lý, khái niệm giấy phép môi trường được quy định lần đầu trong Luật bảo vệ môi trường 2020, cụ thể là tại Khoản 3 Điều 8 như sau:
“Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”.
Từ quy định nêu trên, ta có thể thấy được giấy phép môi trường là một loại giấy tờ pháp lý mà trong các trường hợp cụ thể, các tổ chức, doanh nghiệp bắt buộc phải có. Bởi lẽ, giấy phép môi trường là một công cụ quản lý có tính thống nhất và pháp lý cao để cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường đối với các dự án trong giai đoạn thực hiện (xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn.
Không những vậy, giấy phép môi trường có thể được cấp cho từng hạng mục, giai đoạn phân kỳ của công trình có phát sinh chất thải và xả thải ra môi trường. Tổng quan nội dung giấy phép môi trường bao gồm: nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải cũng như vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải.
b) Phân loại giấy phép môi trường
Từ góc độ thực tiễn, có rất nhiều yếu tố để phân loại giấy phép môi trường, điển hình như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào loại tài nguyên:
- Đối với tài nguyên nước sẽ có các loại Giấy phép tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, bao gồm:
+ Giấy phép thăm dò (hoặc khai thác, sử dụng) nước dưới đất
+ Giấy phép khai thác, sử dụng nước trên bề mặt
+ Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển
+ Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước
- Đối với tài nguyên thủy sản sẽ có các loại giấy phép theo Luật Thủy sản 2017, chẳng hạn như:
+ Giấy phép khai thác thủy sản trên biển
+ Giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam
- Đối với tài nguyên khoáng sản sẽ có các loại giấy phép theo Luật Khoáng sản 2010 như:
+ Giấy phép thăm dò (hoặc khai thác) khoáng sản
+ Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản
Thứ hai, căn cứ vào lĩnh vực hoạt động gồm có:
- Trong lĩnh vực giao thông vận tải: Giấy phép vận chuyển
- Trong lĩnh vực xử lý chất thải: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại
- Trong lĩnh vực xây dựng: Giấy phép xây dựng
2. Đối tượng phải làm giấy phép môi trường
Từ góc độ pháp lý, Luật bảo vệ môi trường 2020 đã quy định các đối tượng phải có giấy phép môi trường tại Điều 39, bao gồm:
“1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường”.
Từ điều luật trên ta có thể thấy rằng, dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày có hiệu lực thi hành (tức là ngày 01/01/2022) có tiêu chí về môi trường như đối tượng sẽ được áp dụng cách quản lý theo Khoản 1 Luật bảo vệ môi trường 2020.
Trong đó, các dự án cụ thể được hiểu là:
- Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm các dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường…
- Dự án đầu tư nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gồm các dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình hoặc dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình…
- Dự án đầu tư nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bao gồm dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ hoặc dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý hoặc có phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.
Tuy nhiên, nếu các dự án đầu tư trên thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công sẽ được miễn giấy phép môi trường.
LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.