Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

LẤN CHIẾM ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

1. Quy định về quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất

Quyền sở hữu đất đai

Căn cứ Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

 

Quyền sử dụng đất


Quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho…từ những chủ thể khác có quyền sử dụng đất.


Căn cứ Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định, bao gồm:


- Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);


- Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);


- Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;


- Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm Phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;


- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;


- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;


- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Việc sử dụng đất phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau đây:


+ Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.


+ Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.


+ Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và quy định khác của pháp luật có liên quan.


2. Thế nào là lấn chiếm đất chưa sử dụng? 


Căn cứ theo khoản 3 Điều 10 Luật Đất đai 2013 và khoản 3 Điều 8 Thông tư 27/2018 của Bộ tài nguyên và môi trường quy định về đất chưa sử dụng là các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng bao gồm: đất bằng chưa sử dụng; đất đồi núi chưa sử dụng; núi đá không có rừng cây.


Đối với hành vi lấn chiếm đất được quy định theo khoản 1 khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP như sau: 


- Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.


- Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:


+ Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;


+ Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;


+ Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);


+ Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.


3. Lấn chiếm đất chưa sử dụng bị xử lý như thế nào? 


Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định hành vi lấn chiếm đất thuộc một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, việc lấn chiếm đất chưa sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 


Bị xử phạt hành chính 


Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt cho hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng.

Trường hợp lấn chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:


- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;


- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;


- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;


- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;


- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.


Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định trường hợp lấn chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần đối với đất nông thôn.


Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính. Mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì người thực hiện hành vi vi phạm còn buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả:


- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm;


- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 

Bị thu hồi phần diện tích đất lấn chiếm 


Căn cứ khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong trường lấn chiếm đất chưa sử dụng của Nhà nước thì sẽ giải quyết như sau:


- Nếu đất lấn chiếm thuộc quy hoạch sử dụng đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì sẽ được tạm sử dụng đến khi Nhà nước thu hồi đất.


Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;


- Nếu không thuộc trường một trong các trường hợp trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.



LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !