1. Quyền tài sản là gì? Quyền nhân thân là gì?
- Quyền tài sản được ghi nhận tại Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
- Quyền nhân thân được ghi nhận tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Cụ thể hơn, quyền nhân thân bao gồm các quyền:
+ Quyền có họ tên;
+ Quyền thay đổi họ;
+ Quyền thay đổi tên;
+ Quyền xác định, xác định lại dân tộc;
+ Quyền được khai sinh, khai tử;
+ Quyền đối với quốc tịch;
+ Quyền của cá nhân đối với hình ảnh;
+ Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể;
+ Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín;
+ Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể;
+ Quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín;
+ Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác;
+ Quyền xác định lại giới tính; chuyển đổi giới tính;
+ Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình;
+ Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình.
2. Quyền tác giả là gì?
- Quyền tác giả được ghi nhận tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, theo đó quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
- Bên cạnh đó, liên quan đến quyền tác giả theo khoản 3 Điều Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
- Ngoài ra, quy định về tác phẩm cũng được ghi nhận tại khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tác phẩm được hiểu là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
3. Quyền tác giả là quyền tài sản hay quyền nhân thân?
- Theo Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về Quyền tác giả thì quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
- Quyền nhân thân đối với quyền tác giả được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bao gồm:
+ Đặt tên cho tác phẩm. Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;
+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
+ Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
+ Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Quyền tài sản đối với quyền tác giả được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bao gồm:
+ Làm tác phẩm phái sinh;
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
+ Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
+ Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
+ Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.
- Các quyền quy định trên do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và việc công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
- Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân về bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.