Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGƯỜI DÙNG CHẤT KÍCH THÍCH GÂY RA?

1. Khái quát chung về bồi thường thiệt hại 

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: 


“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại


1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.


2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.


3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”


Như vậy, những người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bên cạnh đó, luật quy định những trường hợp không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng, hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp đôi bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 


Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 02 Điều 584 BLDS 2015.


a) Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại 

Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, được hướng dẫn bởi Khoản 01 Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ 01/01/2023 như sau: 


“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.


2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.


3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.


4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.


5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”


b) Cơ sở bồi thường thiệt hại 

Đúng như tên gọi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự cùng với thiệt hại đã xảy ra ngoài thực tế. 


Do đó, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần phải dựa trên các cơ sở sau đây: 

  • Các chủ thể gây ra hành vi trái pháp luật 

  • Có thiệt hại xảy ra trong thực tế 

  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra 

  • Do lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự 

2. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra


Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra là một trong những quy định về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể. Nội dung của chế định này như sau: 


“Điều 596. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra


1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.


2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”


Đối với người dùng chất kích thích, họ cần biết và phải biết hậu quả khi sử dụng chất kích thích là không làm chủ được hành vi của mình, từ đó có thể gây ra các thiệt hại cho người khác trong. Nghĩa là trước khi sử dụng, bản thân họ phải biết và lường trước những trường hợp có thể xảy ra sau khi sử dụng chất kích thích. Vì thế quy định tại khoản 01 Điều 596 là hoàn toàn phù hợp với căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. 


Đối với quy định tại khoản 2 Điều 596, bản thân người gây thiệt hại không biết mình sẽ sử dụng chất kích thích, không thể nhận biết được những hậu quả phát sinh sau này nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về những người đã biết đến hậu quả khi dùng chất kích thích nhưng vẫn cố ý để người khác sử dụng (người cố ý dùng rượu và chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất nhận thức và làm chủ hành vi). 


Một vấn đề cần được mở rộng ra là Khoản 2 Điều 596 chỉ đề cập đến trường hợp một người “cố ý dùng rượu và chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi’  mà không nói đến trường hợp vô ý. Bởi trong nguyên tắc bồi thường thiệt hại, người có lỗi vô ý sẽ được giảm mức bồi thường thiệt hại - nghĩa là vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không được miễn; nhưng với chế định bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra lại không nhắc tới. 


Như đã biết cơ địa của mỗi người không giống nhau, do đó các phản ứng với liều lượng chất kích thích, loại chất kích thích của mỗi người sẽ không giống nhau. Lấy ví dụ trong một bàn tiệc, A rót rượu để uống nhưng B lại cầm nhầm do tưởng đó là nước lọc; hậu quả là B bị mất khả năng nhận thức và hành vi dẫn đến đập phá gây thiệt hại cho nhà hàng 70 triệu đồng. Lúc này hành vi của B không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1, hành vi của A cũng không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 2. Như vậy thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra thuộc về ai? Nếu không có ai phải chịu trách nhiệm mặc dù thiệt hại có xảy ra, người bị thiệt hại là chủ nhà hàng nhưng lại không được bồi thường đúng theo quy định tại Điều 584 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 


Bên cạnh đó, các chất kích thích vẫn chưa được quy định thành một danh mục cụ thể. Chất kích thích mới chỉ được định nghĩa là “những chất được đưa vào cơ thể người qua việc ăn, uống; ngửi, hít; tiêm… gây ức chế sự nhận thức của não dẫn đến việc không điều khiển được hành vi của người sử dụng; từ đó có thể gây ra thiệt hại cho các chủ thế khác.”


Như vậy, ngoài những chất kích thích đã biết và khá phổ biến, vẫn còn có những chất kích thích hiếm hoặc chưa được biết đến cần phải có sự công nhận của các cơ quan ban ngành có thẩm quyền. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm công bố danh mục các chất kích thích, để quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến chất kích thích được nhanh chóng và minh bạch. 



LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !