Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

THUẬN TÌNH LY HÔN NHƯNG VẮNG MẶT CÓ ĐƯỢC KHÔNG?


  1. Thuận tình ly hôn

Ly hôn, theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, quan hệ hôn nhân đã được pháp luật công nhận và bảo vệ chỉ chấm dứt khi có bản án (trong trường hợp đơn phương ly hôn) hoặc có quyết định (trong trường hợp thuận tình ly hôn) của Tòa án đã có hiệu lực. 

Đối với việc thuận tình ly hôn, tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Theo đó, thuận tình ly hôn là việc vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn; và điều kiện để Tòa án công nhận thuận tình ly hôn bao gồm:

  • Vợ và chồng thật sự tự nguyện ly hôn;

  • Vợ chồng đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của người vợ và con. 

  1. Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt thì có được không?

HÒA GIẢI VÀ PHIÊN HỌP (LÚC NÀO THÌ MỞ PHIÊN HỌP)

Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự, ly hôn nói chung, ly hôn thuận tình nói riêng, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Vợ chồng yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn được Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 xác định là người yêu cầu giải quyết việc dân sự. Theo quy định tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự bao gồm:

1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

2. Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.

Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.”

Từ quy định trên cho thấy, người yêu cầu (cụ thể ở đây là vợ chồng) phải tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự theo giấy triệu tập của Tòa án. Nếu người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất và không đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ, phiên họp sẽ được Tòa án hoãn lại. Như vậy, nếu người yêu cầu vì lý do chính đáng mà không thể tham gia phiên họp, họ có thể đề nghị Tòa án giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn vắng mặt. Lúc này, thủ tục ly hôn vắng mặt vẫn sẽ được thực hiện như bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất mà không có đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ, nếu người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự. 

Cần phải nói thêm, việc vắng mặt người yêu cầu ở đây có thể là sự vắng mặt của vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng. Bên cạnh đó, việc từ bỏ yêu cầu và Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự không đồng nghĩa với việc vợ chồng không còn quyền yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Nếu vợ chồng tiếp tục cùng yêu cầu ly hôn và thỏa các điều kiện về thuận tình ly hôn như đã nói ở trên, Tòa án vẫn sẽ giải quyết. 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !