Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CĂN CƯỚC CÔNG DÂN LÀ GÌ? QUY ĐỊNH VỀ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Thẻ Căn cước công dân (thẻ cũ là Chứng minh nhân dân) là giấy tờ đặc biệt quan trọng của công dân. Đặc biệt, thẻ Căn cước công dân gắn chip có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính, và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

  1. Căn cước công dân là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014, Căn cước công dân được định nghĩa là “thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân theo quy định của Luật này”.

Thẻ Căn cước công dân được hiểu một cách đơn giản là một loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam, trong đó phải ghi rõ và có đầy đủ thông tin cá nhân của công dân.


  1. Nội dung của thẻ Căn cước công dân

Nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân được quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân năm 2014, bao gồm thông tin sau:

+ Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

+ Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.


  1. Ý nghĩa của mã số định danh

Số Căn cước công dân hay số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số. Theo Điều 13 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân thì dãy số này có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 hướng dẫn Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP) thì:

- 03 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh,

- 01 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân

- 02 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân;

- 06 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.

Trong đó:

- Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân khai sinh có các mã từ 001 đến 0096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Công dân khai sinh ở Hà Nội có mã 001, Hải Phòng có mã 031, Đà Nẵng có mã 048, TP. Hồ Chí Minh có mã 079…

- Mã thế kỷ và mã giới tính được quy ước như sau:

  • Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;

  • Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;

  • Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;

  • Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;

  •  Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.

- Mã năm sinh: Thể hiện hai số cuối năm sinh của công dân.

  1. Thẻ Căn cước công dân có thay thế hộ chiếu được không?

Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định trên thì thẻ Căn cước công dân không có giá trị thay thế hộ chiếu khi đi đến tất cả các quốc gia trên thế giới mà chỉ có thể thay thế nếu Việt Nam có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết sử dụng thẻ Căn cước công dân thay hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !