Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CON RIÊNG KHÔNG CÓ TÊN TRONG SỔ HỘ KHẨU CÓ ĐƯỢC QUYỀN THỪA KẾ HAY KHÔNG ?

1. Phải có tên trong sổ hộ khẩu mới được thừa kế ?

Hiện nay có hai hình thức nhận di sản thừa kế là hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Và các cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản so với người khác.

Người được hưởng di sản thừa kế được Điều 613 Bộ luật Dân sự định nghĩa như sau:

“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Theo đó, để được hưởng thừa kế thì cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản thừa kế chết) hoặc sinh ra và còn sống sau khi mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết.

- Hưởng thừa kế theo di chúc:

+ Di chúc hợp pháp.

+ Được người để lại di chúc chỉ định là người hưởng thừa kế trong di chúc (có tên hưởng di sản trong di chúc).

+ Không từ chối nhận di sản.

- Hưởng di sản theo pháp luật:

+ Không có di chúc hoặc có nhưng di chúc không hợp pháp…

+ Thuộc hàng thừa kế của người để lại di sản thừa kế. Trong đó, hàng thừa kế gồm 03 hàng và người ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế khi người ở hàng thừa kế trước đó đều chết hết, không có quyền hưởng, bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản thừa kế (căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Theo các quy định này, việc hưởng di sản thừa kế của một người không phụ thuộc vào việc người đó có cùng sổ hộ khẩu hay không mà căn cứ vào các điều kiện hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật nêu ở trên.

2. Con riêng có được hưởng thừa kế không?

Để xét con riêng có được hưởng thừa kế không thì căn cứ vào hai hình thức nhận di sản (theo di chúc và theo pháp luật).

- Theo di chúc: Nếu trong di chúc của người chết có để tài sản của người đó cho con riêng thì người này hoàn toàn có quyền được hưởng thừa kế bởi di chúc được định đoạt theo ý chí của người để lại di sản thừa kế trừ trường hợp người con riêng từ chối nhận di sản thừa kế.

- Theo pháp luật: Do thừa kế theo pháp luật căn cứ vào các hàng thừa kế. Trong đó, tại hàng thừa kế thứ nhất có đề cập đến những người thừa kế: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Do đó, tại hàng thừa kế thứ nhất chỉ nêu con đẻ mà không nói rõ là con trong giá thú hay con ngoài giá thú (con riêng). Do đó, nếu chứng minh được có quan hệ cha mẹ con với người để lại di sản thừa kế thì con riêng hoàn toàn được quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.

3. Thủ tục xác nhận cha mẹ con là gì ?

Căn cứ vào Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Hộ tịch 2014, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Nghị định 126/2014 NĐ-CP quy định chi tiết một số điều  và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

3.1. Thẩm quyền giải quyết việc xác nhận cha, mẹ, con

Căn cứ theo Điều 101 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định sau đây: 

- Cơ quan đăng ký hộ tịch: Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con có thẩm quyền xác nhận cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. 


- Tòa án: Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3.2. Người có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con

Căn cứ theo Điều 102 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

- Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp việc yêu cầu xác nhận không có tranh chấp.

Năng lực hành vi dân của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự

- Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp việc yêu cầu xác nhận có tranh chấp hoặc người yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con đã chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.


Theo các phân tích ở trên, việc hưởng thừa kế chỉ phụ thuộc vào di chúc hoặc theo quy định của pháp luật mà không liên quan đến việc có tên trong hộ khẩu hay không. Đồng thời, nếu có tên trong di chúc hoặc nếu chứng minh được là con đẻ của người để lại di sản thừa kế thì con riêng vẫn được hưởng thừa kế.

 

 

 

 



LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !