Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

XÂM PHẠM HÌNH ẢNH CÁ NHÂN BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?


1. Quy định của pháp luật về quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc người khác sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, nếu dùng hình ảnh cá nhân với mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đối với trường hợp sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì việc sử dụng này không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

CSPL: Khoản 1, khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015

Đối với cơ quan báo chí, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân được quy định tại Nghị định 51/2002/NĐ-CP. Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án. Như vậy, trừ các trường hợp quy định trên thì các cơ quan báo chí cũng không được đăng các hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ.

CSPL: Khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí.

2. Xâm phạm hình ảnh cá nhân bị xử lý như thế nào?

Đối với trường hợp gây hậu quả không nghiêm trọng có thể chỉ bị xử phạt hành chính. Việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

CSPL: Điểm e, g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

Trường hợp hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị sử dụng hình ảnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người nào có hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tuy nhiên nếu phạm tội từ 02 lần trở lên, đối với 02 người trở lên, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội,phạm tội đối với người đang thi hành công vụ, đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình, sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% thì có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nặng hơn là gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm cho nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Theo căn cứ trên nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy vào mức độ gây thiệt hại thì hình phạt nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, nặng nhất là phạt tù 05 năm.

CSPL: Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Hành vi cắt ghép hình ảnh người khác cũng có thể thỏa mãn tội danh khác đó là tội vu khống nếu người vi phạm cố tình sử dụng những hình ảnh của người khác để vu khống cho họ làm một hành động nào đó mà không có thật. Trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ để chứng minh thì người cắt ghép, sử dụng hình ảnh đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vu khống với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù đến 07 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

CSPL: Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !