Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

ĐỐI VỚI VỤ TRANH CHẤP ĐƯỢC GIẢI QUYẾT BẰNG TRỌNG TÀI VỤ VIỆC THÌ BỊ ĐƠN PHẢI GỬI CHO NGUYÊN ĐƠN VÀ TRỌNG TÀI BIÊN BẢN TỰ BẢO VỆ TRONG VÒNG BAO NHIÊU NGÀY?

1. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài 

Theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau: 

Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Như vậy, để được giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. 

Thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực khi một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi. Đối với bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. 

2. Trọng tài vụ việc là gì? 


Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại, trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận. 

Các đặc điểm của trọng tài vụ việc 

  • Trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng riêng, không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và không có danh sách trọng tài viên. 

  • Trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi có tranh chấp phát sinh từ vụ việc cụ thể, theo thỏa thuận các bên. Khi giải quyết xong tranh chấp được các bên chọn trọng tài vụ việc giải quyết, trọng tài vụ việc tự chấm dứt hoạt động. 

  • Các bên khi có tranh chấp, và chọn giải quyết bằng trọng tài vụ việc, các bên tự thỏa thuận chọn quy tắc tố tụng thực hiện theo các trung tâm trọng tài uy tín ở trong nước hoặc quốc tế hoặc các bên tự xây dựng các quy tắc với nhau. 

3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc 

1/ Nguyên đơn làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. 

2/ Bị đơn gửi bản tự bảo vệ và gửi tên và địa chỉ của trọng tài viên đã chọn cho nguyên đơn và trọng tài viên. Bên cạnh đó, nếu có đơn kiện lại nguyên đơn về những vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp, bị đơn gửi đơn kiện cho Nguyên đơn và Hội đồng trọng tài. 

3/ Thành lập hội đồng trọng tài xem xét các tài liệu do hai bên cung cấp. 

4/ Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp giải quyết các tranh chấp. 

5/ Hội đồng trọng tài tài ra phán quyết trọng tài. 

Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc thì bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ trong vòng bao nhiêu ngày? 

“ Điều 35. Bản tự bảo vệ và việc gửi bản tự bảo vệ

1. Bản tự bảo vệ gồm có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ;

b) Tên và địa chỉ của bị đơn;

c) Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có;

d) Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.

2. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.

3. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.

4. Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ.

5. Trường hợp bị đơn không nộp bản tự bảo vệ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành.”

Như vậy, đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !