Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CON BẤT HIẾU CÓ BỊ MẤT QUYỀN THỪA KẾ TÀI SẢN DO CHA MẸ ĐỂ LẠI KHÔNG?

1. Quyền thừa kế được quy định như thế nào?

 

Căn cứ theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2015, Quyền thừa kế được quy định như sau:

 

- Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

 

- Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

 

Từ quy định trên có thể hiểu, Quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật và quyền được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản.

 

Pháp luật quy định hai hình thức thừa kế bao gồm: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

 

2. Con bất hiếu có bị mất quyền thừa kế tài sản do cho cha mẹ để lại không?

 

- Thừa kế theo di chúc

 

Thừa kế theo di chúc là thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền để lại tài sản cho ai hoặc truất quyền hưởng di sản thừa kế của ai (Điều 626 Bộ luật dân sự 2015). 

 

Theo đó, cha mẹ (người để lại di sản) sẽ có quyền chỉ định các người thừa kế và phân chia tài sản của mình theo ý muốn riêng. Trong trường hợp, nếu con cái bất hiếu làm cha mẹ không muốn để lại tài sản của mình cho con thì phải thể hiện nội dung này trong di chúc.

 

Theo Quy định của về pháp luật về thừa kế tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Người thừa kế là các cá nhân có tên trong bản di chúc và những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Cụ thể là:

 

+ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

+ Con thành niên nhưng không có khả năng lao động.

 

Như vậy, đối với đối tượng trên vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu như di sản được chia theo pháp luật. Còn trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản, nếu tài sản thừa kế được chia theo di chúc, di chúc được lập hợp pháp thì khi con bất hiếu với cha mẹ và không rơi vào các trường hợp thuộc Điều 644 Bộ luật dân sự 2015, cha mẹ hoàn toàn có quyền không cho người con này được hưởng di sản thừa kế mà mình để lại.

 

- Thừa kế theo pháp luật 

 

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 Bộ luật dân sự 2015).

 

Trường hợp thừa kế theo pháp luật: người thừa kế là những cá nhân được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 và người thừa kế thế vị được quy định của pháp luật về thừa kế tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015.

 

Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật thì những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không có ai ở hàng thừa kế trước do những lý do như: đã chết, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản.

 

Trong đó, con cái bao gồm con đẻ, con nuôi của người để lại di sản (cha mẹ) thuộc hàng thừa kế thứ nhất (theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự) nên sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật trừ trường hợp người không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015. 

 

Trường hợp con cái bất hiếu với cha mẹ (người để lại di sản) cũng là một trong những trường hợp không được quyền hưởng di sản Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015:

 

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

 

+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

 

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

 

+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

 

Theo Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ nuôi dưỡng như sau:

 

+ Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

 

+ Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

 

Do đó, con cái phải có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Trong trường hợp con cái không làm tròn nghĩa vụ nuôi dưỡng, có sự vi phạm nghĩa vụ thì sẽ bị pháp luật tước quyền thừa kế. 

 

Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu cha mẹ (người để lại tài sản) đã biết hành vi của người con nhưng vẫn để lại tài sản thì người con vẫn có thể được hưởng di sản.


3. Con cái bất hiếu có bị xử phạt không?

 

Ngày nay với sự phát triển của xã hội, tâm tính con người dần thay đổi, tình thân và lòng thương ngày một mờ nhạt. Chính vì vậy những trường hợp cha mẹ bị con cái bạc đãi diễn ra phổ biến theo cấp số nhân. Chúng ta có thể lầm tưởng rằng đang sống trong thế giới của những con người vô tri, nặng hơn, nhiều người còn nói đó là hành động không bằng thú dữ.

 

Bất hiếu là tội ác không thể tha thứ, đặc biệt tội ác này cũng rất khó để chuộc tội. Do đó, mà pháp luật cũng có quy định mức xử phạt tùy  vào mức độ khác nhau, cụ thể: 

 

- Xử phạt hành chính

 

+ Theo Khoản 1 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, con cái bất hiếu mà có các hành vi như đánh đập gây thương tích cho cha mẹ sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.

 

+ Theo Điểm a Khoản 2 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu dùng gậy, que hay các công cụ, vật dụng khác gây thương tích cho cha mẹ hoặc không kịp đi cấp cứu, không chăm sóc cha mẹ điều trị chấn thương do bạo lực gia đình thì sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trừ trường hợp cha mẹ từ chối.

 

+ Theo Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu đối xử tồi tệ như bắt nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét… cha mẹ thì có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

 

+ Theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

 

+ Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu có hành vi ép buộc cha mẹ đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống hay lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm,.... thì có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

 

+ Theo Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có hành vi trái pháp luật buộc cha mẹ ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ tùy vào trường hợp có thể bị phạt từ 5 - 20 triệu đồng.

 

- Truy cứu trách nhiệm hình sự

  

Khi mức độ bất hiếu nghiêm trọng thì người con có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 quy định về một trong các tội:

 

- Tội hành hạ người khác với mức phạt tù cao nhất là đến 03 năm (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 - sửa đổi, bổ sung 2017);

 

- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình với mức phạt tù cao nhất là 05 năm (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 - sửa đổi, bổ sung 2017). 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !