Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NẠN NHÂN CÓ LỖI, NGƯỜI PHẠM TỘI CÓ ĐƯỢC GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ?

Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Việc xâm phạm đến quyền này, trong mọi trường hợp, đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Vấn đề cần quan tâm ở đây là nếu tội phạm xảy ra do có phần lỗi của nạn nhân thì liệu người phạm tội có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự? Trường hợp được giảm thì việc quyết định hình phạt sẽ được thực hiện như thế nào?

  1. Nạn nhân có lỗi, người phạm tội có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Theo điểm khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể liên quan đến lỗi của nạn nhân, thể hiện rõ nhất là “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra”. Đối với trường hợp này, để được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tình tiết thực tế phải thỏa điều kiện đó là: nạn nhân có hành vi trái pháp luật; quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của nạn nhân và việc bị kích động về tinh thần dẫn đến xảy ra tội phạm. 

Đặc biệt, tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rằng “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Tại Điểm 5 Mục I Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 và Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP, các "tình tiết khác" bao gồm cả tình tiết “người bị hại cũng có lỗi”. Vậy, trong trường hợp người bị hại cũng có lỗi thì người phạm tội có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đáng lưu ý, trong trường hợp áp dụng tình tiết “người bị hại cũng có lỗi”, kết quả xem xét và quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội còn phụ thuộc vào yếu tố “lỗi”. Có nghĩa là, yếu tố “lỗi” cần được xác định rõ: đâu là lỗi của người phạm tội, đâu là lỗi của người bị hại; “tỉ lệ lỗi” của người phạm tội; loại lỗi (cố ý hay lỗi vô ý, thậm chí trong nhiều trường hợp còn phải phân định cụ thể hơn là lỗi cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp, vô ý vì quá tự tin hay vô ý do cẩu thả) 

  1. Áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và việc quyết định hình phạt

Theo khoản 3 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. Điều này có nghĩa là, để xác định và áp dụng đúng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì Tòa án cần phân định đây là dấu hiệu định tội, định khung hay tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nói các khác, nếu tình tiết này đã được xác định là dấu hiệu định tội rồi thì khi quyết định hình phạt, toà án không được coi tình tiết đó là tình tiết giảm nhẹ nữa. 

Lấy ví dụ từ vụ án chồng chém đứt lìa 2 cánh tay vợ xảy ra vào ngày 13/9, vừa qua ngày 19/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Thái Xuân Bình, 34 tuổi ngụ huyện Long Thành để điều tra về tội "Cố ý gây thương tích". Tuy nhiên, đặt giả định bị can Bình được xác định phạm tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 thì tình tiết “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” sẽ không được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp Bình được xác định là phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan chức năng cần xác định xem bị can Bình có phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động không để xác định có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, tức là cần xác minh, thu thập các bằng chứng như ảnh chụp, tin nhắn trong điện thoại của người vợ để làm rõ việc người vợ ngoại tình và có hay không cũng như mức độ khiêu khích của người thứ ba.



LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !