Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

MẶT HÀNG XĂNG DẦU CÓ ĐƯỢC MIỄN THUẾ TTĐB 100%?


1. Cơ cấu thuế trong giá cơ sở xăng dầu:

Theo quy định pháp luật hiện nay, trong giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra phải chịu 4 loại thuế sau đây:
- Thuế giá trị gia tăng:
Theo Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Theo đó xăng, dầu được xác định là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho xăng dầu là 10% tính trên giá bán theo khoản 3 Điều 8 Luật này.
Vừa qua, Chính phủ đã có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Tuy nhiên, nhóm xăng dầu lại không nằm trong mục được giảm thuế này.
- Thuế nhập khẩu:
Hiện tại Việt Nam đã có nhiều nhà máy lọc hóa dầu nhưng lại hoạt động với công suất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thường xuyên mặt hàng xăng dầu. Xăng dầu nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, nên phải chịu 10% thuế này trong giá bán ra.
- Thuế bảo vệ môi trường:
Xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut đều là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 với mức thuế từ 1.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít. Cụ thể với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng…
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: 
Mức thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. 

2. Thuế TTĐB là gì?

2.1. Khái niệm.

Thuế TTĐB là loại thuế gián thu đánh vào việc tiêu dùng một số loại hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần hướng dẫn sản xuất là tiêu dùng. Nó có vai trò quan trọng trong việc tạo lập nguồn thu cho Ngân sách nhà nước và là công cụ hữu ích để điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội, với các đặc điểm sau:
- Các loại hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB thường là các loại sản phẩm, dịch vụ không thiết yếu, xa xỉ, có hại cho sức khoẻ hoặc môi trường.
- Mức thuế suất thuế TTĐB thường rất cao so với các loại thuế gián thu khác, do vậy tiền thuế thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá của hàng hoá, dịch vụ.
- Thuế TTĐB chỉ đánh ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu mà không đánh ở khâu lưu thông nhằm tránh tình trạng thuế chồng thuế.
- Danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB phụ thuộc vào chính sách điều tiết và hướng dẫn tiêu dùng của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
- Thuế TTĐB là loại thuế bổ sung cho các loại thuế gián thu khác nhằm giảm tính luỹ thoái của thuế gián thu.

2.2. Đối tượng chịu thuế TTĐB:

Điều 2 Luật Thuế TTĐB 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về đối tượng chịu thuế như sau:

“1. Hàng hóa:

a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;

b) Rượu;

c) Bia;

d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;

đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;

e) Tàu bay, du thuyền;

g) Xăng các loại;

h) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;

i) Bài lá;

k) Vàng mã, hàng mã.

2. Dịch vụ:

a) Kinh doanh vũ trường;

b) Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);

c) Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;

d) Kinh doanh đặt cược;

đ) Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;

e) Kinh doanh xổ số.”

Một điều cần lưu ý là, vì thuế TTĐB là thuế gián thu nên người chịu thuế là tổ chức, cá nhân tiêu thụ hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB; còn người nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế TTĐB.

3. Tại sao không miễn thuế TTĐB cho mặt hàng xăng?

Với tình hình hiện tại, đã có ý kiến cho rằng xăng là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên việc giá xăng tăng quá cao trong thời gian gần đây đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh, sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, vì vậy cần nghiên cứu, xem xét chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng này. 

Tuy nhiên, theo các quy định trên, thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Hơn nữa, hiện nay Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với các hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế. Bên cạnh đó, vì xăng là nhiên liệu gốc hoá thạch, không tái tạo nên hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm. Theo số liệu của một số nước về việc thu thuế TTĐB mới đây, Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Đức (0,3545 EUR/lít); Ý (0,4784 EUR/lít); Anh (0,5295 Bảng/lít); Hàn Quốc (311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%); Úc (0,221 Đô la Úc/lít); Thái Lan (6,5 bạt/lít đối với xăng khoáng, 5,85 bạt/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 bạt/lít đối với xăng 95 E20, 0,975 bạt/lít đối với xăng 95 E85, 2,99 bạt/lít đối với dầu diesel). Tại Singgapo (0,41 Đô la Singgapo/lít); Trung Quốc (1,52 Nhân dân tệ/lít, tương đương tỷ lệ 15,6%); Campuchia (thuế suất 15%); Lào (thuế suất 16%)... Như vậy, mức thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Bởi các nguyên nhân trên nên nếu thực hiện miễn toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng thì chưa thật sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc miễn giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, hiện nay Bộ Tài chính vẫn đang đề xuất giảm tối đa 50% thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !