Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CÓ QUAN HỆ TÌNH CẢM VỚI NGƯỜI KHÁC TRONG KHI ĐANG LY THÂN CÓ BỊ XEM LÀ NGOẠI TÌNH?

“Ly thân” là một tình trạng trong hôn nhân quen thuộc với rất nhiều người. Vì nguyên nhân nào đó như không còn tình cảm hay bất hòa, các cặp vợ chồng chọn cách ly thân - một giai đoạn mà trong nhiều trường hợp có thể được xem là tiền ly hôn. Vậy, việc phát sinh quan hệ tình cảm với người khác trong khi đang ly thân có bị xem là ngoại tình? 

 

  1. Ly thân và ly hôn

Về ly thân, hiện nay, pháp luật chưa định nghĩa về thế nào là ly thân. Tuy nhiên theo cách hiểu chung của nhiều người, ly thân là việc vợ chồng không chung sống và sinh hoạt vợ chồng với nhau do không còn tình cảm, bất hòa hay vì một nguyên nhân nào đó nhưng chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng trên phương diện pháp lý. 

Về ly hôn, theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. 

Như vậy, tương ứng với khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Do đó, ngay cả khi cả hai đã nộp đơn ly hôn nhưng việc giải quyết chưa đi đến một quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa thì quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại. Điều này cũng chứng minh cho việc, cho dù hai người đã ly thân một thời gian dài đi chăng nữa, về mặt pháp lý, cả hai vẫn là vợ chồng; vợ, chồng vẫn cần đảm bảo các quyền và nghĩa vụ theo luật định. 

  1. Pháp luật quy định về việc có quan hệ tình cảm với người khác và ngoại tình như thế nào?

Ngoại tình (xét trong trường hợp có quan hệ vợ chồng) là việc phát sinh quan hệ tình cảm bên ngoài với người không phải là vợ hoặc chồng của mình. Ngoại tình đôi khi chỉ hướng đến tình yêu nói chung, tức là có tình cảm với người khác mà không nhất thiết là có quan hệ tình dục, chung sống như vợ chồng. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định hôn nhân là một vợ, một chồng; vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện công việc gia đình (khoản 1 Điều 19). Do đó, pháp luật cấm việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Những hành vi này sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là xử lý hình sự. Theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, vợ hoặc chồng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.00.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng. Về xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015: 

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

  • Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

  • Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ngoại tình đôi khi chỉ mới phát sinh quan hệ tình cảm, chưa có quan hệ tình dục, chưa được xem là chung sống như vợ chồng với người khác. Về đạo đức và về mặt pháp lý, đây cũng là hành vi vi phạm về nghĩa vụ của vợ chồng nhưng xét về hậu quả pháp lý, pháp luật chỉ xử lý hành vi của người đã có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hay kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có vợ, có chồng. Tuy nhiên, việc có quan hệ tình cảm với người khác hay ngoại tình nói chung của người vợ hoặc người chồng trong thời kỳ hôn nhân chính là hành vi có lỗi, vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Vì vậy, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định đây là một trong những căn cứ để chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Song, cũng cần phải nói thêm, đa số nhiều người cho rằng việc ngoại tình là có quan hệ tình dục với người khác ngoài vợ, chồng của mình trong thời kỳ hôn nhân bởi vì việc ngoại tình khi chỉ mới phát sinh quan hệ tình cảm trên thực tế khó chứng minh hơn. 

  1. Có quan hệ tình cảm với người khác trong khi đang ly thân có bị xem là ngoại tình? 

Như đã phân tích ở trên về ly thân và ly hôn. Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vì vậy, có quan hệ tình cảm với người khác hay kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác trong khi đang ly thân chính là ngoại tình. Và, việc xử lý, xem xét lỗi của người vợ, người chồng có hành vi trên sẽ tùy vào từng trường hợp, mức độ cụ thể nhưng trước hết, vợ hay chồng vi phạm đạo đức xã hội như ngoại tình sẽ phải chịu “bản án”, “phán quyết” khắc nghiệt hơn đến từ dư luận và những người xung quanh. 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !