Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN QUYỀN THỪA KẾ NHÀ ĐẤT LÀ GÌ?


1. Quyền thừa kế là gì?

            Theo Điều 609 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”
            Như vậy, theo quy định trên có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Đối tượng của quyền thừa kế là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người chết và được để lại cho người sống (được gọi là di sản thừa kế). Chiếu theo Điều 105 BLDS 2015 thì di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản; bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Ngoài ra, di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (theo Điều 612 BLDS 2015).
2. Điều kiện thực hiện quyền thừa kế nhà đất:
2.1. Điều kiện chung:
            Điều kiện thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

  1. Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
  2. Đất không có tranh chấp;
  3. Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
  4. Trong thời hạn sử dụng đất.”
* Lưu ý: GCNQSD đất là điều kiện hình thức vô cùng quan trọng, tuy nhiên điều kiện này không mang tính tuyệt đối với thừa kế quyền sử dụng đất. Bởi vì về bản chất di sản có giá trị tài sản là quyền sử dụng đất chứ không phải GCNQSD đất. Do đó, nếu có chứng cứ chứng minh người để lại di sản là người có quyền sử dụng đất hợp lệ thì quyền sử đụng dất đó vẫn được xác định là di sản thừa kế. Vì vậy pháp luật vẫn cho phép người sử dụng đất chưa có GCNQSD đất có thể thực hiện quyền thừa kế trong trường hợp họ đủ điều kiện để cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Khoản 1 Điều 168 LĐĐ 2013). Cụ thể, theo Điều 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thì trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014, có sổ hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp hoặc đã được sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì vẫn đủ điều kiện được cấp GCN. Vậy nên, điều kiện có GCNQSD đất áp dụng với trường hợp lập di chúc có công chứng, chứng thực; còn lại khi lập di chúc có hoặc không có người làm chứngvà thừa kế theo pháp luật chỉ cần chứng minh nhà đất đó hợp pháp thì những chủ thể nêu trên cũng có quyền thừa kế quyền sử dụng đất.
2.2. Điều kiện riêng:

Điều kiện về chủ thể:
            Điểm d Khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển nhượng QSD đất thông qua thừa kế quyền sử đụng đất”. Thêm vào đó, điểm d Khoản 1 Điều 179 Luật này quy định về trường hợp đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau: “Trong trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử đụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”.
            Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, chủ thể được quyền thừa kế QSD đất có thể là cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư và trường hợp ngoại lệ là người Việt Nam định cư nước ngoài chỉ khi đáp ứng quy định người này “thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử đụng đất ở tại Việt Nam” thì mới được nhận quyền thừa kế là quyền sử dụng đất.

Điều kiện về hình thức sử dụng đất:
            Điều 17 Luật Đất đai 2013 quy định về các hình thức Nhà nước trao quyền sử dụng đất hiện nay như sau:
“1. Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất;
2. Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
3. Công nhận quyền sử dụng đất.”
            Đáng lưu ý, chỉ có quyền sử dụng đất được sử dụng dưới hình thức thuê trả tiền hằng năm của hộ gia đình, cá nhân là không được phép để thừa kế bởi tính chất tạm thời, không ổn định của hình thức này. Tuy nhiên pháp luật vẫn cho phép cá nhân, thành viên hộ gia đình được để thừa kế tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê và người nhận thừa kế được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất cũng có đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ không khác biệt so với chủ thể để lại di sản.


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !