Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

QUẤY RỐI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

1. Cơ sở pháp lý

 

Bộ Lao động-Thương binh- Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam như sau:Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu”.

 

Tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.

 

Nơi làm việc được định nghĩa như thế nào?

 

Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

 

2. Các hình thức quấy rối tình dục

 

Quấy rối tình dục có thể được thể hiện dưới các hình thức như sau:

 

- Hành vi quấy rối thể chất: tiếp xúc, cố tình đụng chạm sờ mó, cấu véo thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm...

 

- Hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói: nhận xét không phù hợp, viện dẫn, ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục; gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc;

 

- Hành vi quấy rối phi lời nói: ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.

 

3. Các hình thức xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

 

Xử lý kỷ luật lao động

 

Cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm quy định chi tiết hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

 

Theo đó, người lao động có hành vi vi phạm được ghi nhận trong Nội quy lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng. Doanh nghiệp được quy định, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động cao nhất là sa thải với người lao động có hành vi quấy rối tình dục.

 

Cụ thể tại Khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019: "Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây: ...2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động".

 

Như vậy, người lao động thực hiện hành vi quấy rối tình dục trong phạm vi nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

 

Xử phạt vi phạm hành chính

 

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình như sau: "Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác..."

 

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

 

Tùy vào mức độ hành vi thỏa mãn các quy định được mô tả trong điều luật nào thì tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng như sau:

 

(i) Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể: "Điều 141. Tội hiếp dâm: 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm..."

 

(ii) Tội cưỡng dâm được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể: "Điều 143. Tội cưỡng dâm: 1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

 

Căn cứ vào cơ sở pháp lý trên, ta có thể thấy được rằng tùy thuộc vào mô tả của hành vi, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính, nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

4. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

 

Đối với người sử dụng lao động

 

Về trách nhiệm

 

Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

 

a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

 

b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

 

c) Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

 

d) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

 

đ) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

 

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải xây dựng nội dung về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục bảo đảm các nguyên tắc: nhanh chóng, kịp thời; bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

Về nghĩa vụ

 

Căn cứ khoản 1 Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

 

a) Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

 

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;

 

c) Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

 

Đối với người lao động

 

Người lao động có nghĩa vụ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

 

Đối với tổ chức đại diện người lao động

 

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:

 

a) Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

 

b) Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;

 

c) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

 

Ngoài ra, Nghị định 145/2020/NĐ-CP còn quy định: Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.

 

 

 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !