Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

PHÂN BIỆT NHÃN HIỆU VÀ THƯƠNG HIỆU?


1. Nhãn hiệu là gì?

Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2019, thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với các tổ chức, cá nhân khác trên trên thị trường. 

Cụ thể, nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc là sự kết hợp giữa các yếu tố đó, với một hoặc nhiều màu sắc. Đồng thời, một nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ cần có khả năng phân biệt giữa hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu với hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác. (Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005)

2. Thương hiệu là gì?

Thương hiệu là một loại tài sản vô hình của chủ sở hữu, được cấu thành bởi tất cả các yếu tố khiến người tiêu dùng liên tưởng đến sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi cá nhân, tổ chức hay liên tưởng đến chính cá nhân, tổ chức đó. Những yếu tố đó có thể là về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phương cách truyền thông, quảng cáo, làm việc với khách hàng,... 

Các doanh nghiệp thường sử dụng các bộ nhận diện thương hiệu như logo, slogan, bao bì, nhãn mác, nhãn hiệu, cards, màu sắc chủ đạo…  nhằm tạo ra bản sắc thương hiệu của riêng họ. Ngoài ra, thương hiệu còn cung cấp giá trị to lớn cho cá nhân, tổ chức và mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh so với những chủ thể khác trong cùng một thị trường. 

3. Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu

“Nhãn hiệu” và “thương hiệu” trên thị trường hay được xem là cùng một khái niệm bởi trong quá trình thực hiện kinh doanh, marketing, chúng thường được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, không nên trộn lẫn hai thuật ngữ này và cần nhận biết những điểm khác biệt cơ bản giữa chúng.

3.1. Tính pháp lý

Thuật ngữ “thương hiệu” thường được sử dụng nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và không được xem là đối tượng được bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ. Thay vào đó, “nhãn hiệu” là một thuật ngữ pháp lý và là đối tượng được pháp luật công nhận, bảo hộ kể từ khi chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ.

3.2. Tính chất

Nhãn hiệu được xem như là một dấu hiệu hữu hình “nhìn thấy được” và được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều. Trong khi đó, thương hiệu là một loại tài sản vô hình không thể nhìn thấy được, và nhãn hiệu chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên một thương hiệu. 

3.3. Thời hạn tồn tại và thời hạn bảo hộ

Như đã đề cập ở trên, nhãn hiệu là đối tượng của SHTT và được bảo hộ kể từ khi chủ sở hữu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ. Theo đó, thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần là 10 năm (khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Thời gian tồn tại nhãn hiệu bắt đầu từ khi nhãn hiệu đó được nộp đơn đăng ký cấp Văn bằng bảo hộ, và kết thúc khi doanh nghiệp mang nhãn hiệu đó chấm dứt sự tồn tại, không giống thương hiệu bởi ngay cả khi doanh nghiệp có thương hiệu chấm dứt sự tồn tại thì thời hạn tồn tại của thương hiệu cũng không phụ thuộc vào điều đó mà phụ thuộc vào nhận thức về thương hiệu đó trong lòng người tiêu dùng.

Còn đối với thương hiệu, vì thương hiệu không phải là một thuật ngữ được pháp luật công nhận và bảo hộ, nên thương hiệu không có thời hạn bảo hộ. Tuy vậy, thương hiệu có thể tồn tại rất lâu và rất khó xác định chính xác thời hạn tồn tại. Một thương hiệu có còn tồn tại hay không tùy thuộc vào độ nhận diện, uy tín trong mắt người tiêu dùng và sự tin tưởng của họ vào thương hiệu này. 

3.4. Sự hình thành 

Sự hình thành của nhãn hiệu đơn giản hơn nhiều với thương hiệu. Nhãn hiệu được hình thành bởi một cá nhân hay tổ chức khi họ sáng tạo ra nhãn hiệu đủ điều kiện, tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó và được cấp Văn bằng bảo hộ. 

Sự hình thành của một thương hiệu mất rất nhiều thời gian và công sức, là cả một quá trình khi họ tiến hành đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, thực hiện tiếp thị, quảng bá, truyền thông, nghiên cứu thị trường, gây dựng nên bản sắc thương hiệu, tạo ra sự khác biệt so với các sản phẩm, dịch vụ khác và cho đến khi sản phẩm, dịch vụ đó đạt được độ nhận diện và thành công nhất định, khi đó thương hiệu mới được hình thành.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !