Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CÓ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN BÀI HÁT DỊCH TỪ TIẾNG NƯỚC NGOÀI?

1. Bản quyền bài hát là gì?

Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả, nên bản quyền bài hát là quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc. Do đó, đăng ký bản quyền bài hát là việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc.

Đồng thời, tại Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP cũng quy định về tác phẩm âm nhạc như sau:

“Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

2. Điều kiện để được bảo hộ bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài

Để được bảo hộ bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài cần phải đáp ứng ba điều kiện sau đây:

Thứ nhất, tác phẩm dịch không được gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc, nếu không sẽ không được pháp luật bảo hộ. Việc này được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) như sau: “Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”.

Thứ hai, làm tác phẩm dịch phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) có quy định rằng nếu làm tác phẩm phái sinh mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị theo Điểm i Khoản 1 Điều 25 của Luật này.

Thứ ba, tác phẩm phái sinh phải mang dấu ấn riêng của tác giả. Do tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc nhưng có sự mới mẻ trong lối hành văn, cách truyền đạt…Những điều này tạo nét riêng cho tác phẩm phái sinh và thể hiện sự đặc trưng, dấu ấn của tác giả với công chúng.

3. Có được đăng ký bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài?

Việc đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm dịch dù không bắt buộc nhưng rất quan trọng, vì việc này sẽ giúp cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ngăn chặn được các hành vi xâm phạm quyền tác giả và là chứng cứ để chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền tác giả. Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.

Do đó, cá nhân nào muốn dịch các nhạc phẩm trên thế giới cần phải làm việc với chủ sở hữu tác phẩm gốc để đàm phán, ký kết hợp đồng dịch thuật. Nếu chủ sở hữu tác phẩm gốc đồng ý dịch ra tác phẩm thì tác phẩm dịch mới trở thành hợp pháp và được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đó, theo quy định của Luật bản quyền Việt Nam, tác phẩm dịch cũng có thể được đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm phái sinh, và Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả được cấp bởi Cục Bản quyền sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng để chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu có phát sinh về sau.

Như vậy, cá nhân muốn dịch bài hát từ tiếng nước ngoài được phép đăng ký bản quyền bài hát dịch từ tiếng nước ngoài.
Đồng thời, bản dịch bài hát ra ngôn ngữ khác muốn được bảo hộ thì phải xin phép và được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát gốc.

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0983 198 382

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !